Tại sao đề xuất hòa giải căng thẳng Nga-Ukraine của Thổ Nhĩ Kỳ bị bác bỏ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga bác bỏ vai trò trung gian của Ankara trong vấn đề Ukraine và khẳng định: sự giúp đỡ tốt nhất đối với Nga là ngừng hỗ trợ về quân sự và chính trị cho Kiev
Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm trung gian hòa giải cho căng thẳng Nga-Ukraine (Ảnh: RIA)
Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm trung gian hòa giải cho căng thẳng Nga-Ukraine (Ảnh: RIA)

Trên đường về, sau chuyến thăm Turkmenistan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, và rằng Ankara mong muốn hòa bình trong khu vực”.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói tiếp: “Quan điểm của chúng tôi về tình hình căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine là hết sức rõ ràng. Chúng tôi ủng hộ hòa bình trong khu vực, đặc biệt là vấn đề người Thổ ở Crimea. Chúng tôi đã từng trao đổi vấn đề này với Nga và vẫn tiếp tục trao đổi với ngài Putin. Chúng tôi không muốn nơi đây biến thành khu vực của bom rơi đạn nổ, mà muốn nơi đây là xứ sở của hòa bình. Tôi một lòng mong muốn chủ đề này sẽ diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Để đạt được mong muốn trên, chúng tôi sẵn sàng làm trung gian, để các bên tiến hành đàm phán. Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn, được đóng góp một phần công sức, trong việc giải quyết vấn đề trên”.

Đề xuất tưởng như là “thiện chí” này của tổng thống Erdogan lại nhận được phản ứng tiêu cực của Moscow.

Đối với Nga thì sao? Dĩ nhiên là Moscow cũng muốn khu vực Biển Đen là khu vực hòa bình. Điều này đáp ứng lợi ích của tất cả các bên, trong đó có cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mà Nga và Thổ lại là hai nước lớn và quan trọng trong khu vực. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã ra nhập NATO, nhưng dưới thời Erdogan và Putin, quan hệ Nga - Thổ đã trở nên khá gần gũi và thân thiết, nhưng trong khu vực Biển Đen, đâu chỉ có hai nước Nga và Thổ, bên cạnh hai nước này là các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Quả thực, tuy là nước thành viên NATO, nhưng Ankara thực thi chính sách tương đối độc lập. Dù sao thì Moscow vẫn chưa quên, tháng 11/2015, sau khi bắn rơi Su-24 của Nga, Ankara đã vội vàng gọi điện ngay cho Brussels – nơi đặt Tổng hành dinh của NATO. Nga sẵn sàng củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng những kế hoạch chiến lược, đồng thời không phép mình được sao nhãng: Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO.

NATO là một tổ chức thù địch với Nga. Lý do thứ nhất có thể đưa ra là, NATO đang lên kế hoạch vươn tới Ukraine – một thế giới của Nga. Ukraine tình cờ trở thành một quốc gia độc lập và đi vào vùng ảnh hưởng của phương Tây. Phương Tây đã không chỉ mưu toan củng cố quy chế “Ukraine không phải của Nga”, mà còn biến nước này thành một thế lực chống Nga, đưa Ukraine vào không gian địa chính trị của mình, điều này là không thể chấp nhận được đối với Moscow.

Nga sẽ và không bao giờ thỏa hiệp với NATO về vấn đề này. Moscow không bao giờ từ bỏ đường lối xây dựng quan hệ hữu nghị và đồng minh với Ukraine, đưa Ukraine trở lại không gian địa chính trị, không gian lịch sử thống nhất của một dân tộc lớn. Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm trung gian cho tiến trình này không? Và trong việc này cũng không cần đến trung gian. Sự giúp đỡ tốt nhất ở đây là: không can thiệp vào vấn đề Nga-Ukraine, đặc biệt là từ bỏ sự hỗ trợ về chính trị và quân sự cho Kiev. Ví dụ như ngừng cung cấp máy bay không người lái Bayraktar cho Ukraine.

Moscow không yêu cầu Ankara chấm dứt đối thoại, ngừng phát triển quan hệ với Kiev, đối với Moscow, vấn đề có tính nguyên tắc là khi ủng hộ dự án “Ukraine”, Tổng thống Erdogan phải hiểu được rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang quan hệ với lực lượng nào ở Kiev, đang ủng hộ cuộc chơi của ai?

Lẽ nào Ankara lại không biết được rằng, đối với Moscow, chính quyền Kiev hiện nay không phải là chủ thể độc lập, mà là con rối của phương Tây.

Đành rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những tham vọng toàn cầu của mình, điều này cũng nên khích lệ và cổ vũ, Nga cũng không phản đối, bởi vì chỉ có đối thủ mạnh mới dám lên những kế hoạch như vậy. Nga không phản đối sự tồn tại một thế giới người Thổ như một cộng đồng văn hóa, lịch sử. Cộng đồng người Thổ cũng sinh sống trên lãnh thổ của Liên bang Nga. Nước Nga cũng có thế giới Nga, có lợi ích địa chính trị trong không gian Á – Âu. Nhiệm vụ tối quan trọng đối với hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là gắn kết và hòa hợp lợi ích của người Nga và người Thổ.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những kẻ thù chung về địa chính trị. Một trong những mục tiêu quan trọng của thế lực này là gây mâu thuẫn đối đầu cho hai dân tộc Nga - Thổ. Trong việc này, mắt xích yếu kém không thuộc về phía Nga, mà là phía Thổ Nhĩ Kỳ. Nga luôn thấu hiểu giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ, luôn sẵn sàng tính đến lợi ích của người Thổ và mong muốn được đáp lại bằng một quan điểm tương tự như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ có tôn trọng lợi ích của Nga không? Câu trả lời là: có tôn trọng. Thậm chí là, ngay ở cả những nơi được cho là rất trọng yếu đối với Ankara, như là Syria. Đã có những thời điểm, ranh giới thỏa hiệp bị lung lay, thí dụ như: kế hoạch đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ vào Karabakh. Kế hoạch này sau đó không được Ankara thực hiện, vì việc quân đội Thổ có mặt ở Karabakh sẽ bất lợi cho Moscow.

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều lợi ích chồng chéo, nhưng điều này không có nghĩa là hai nước không thể xây dựng quan hệ hữu nghị, ổn định, và hợp tác chiến lược. Để làm được việc này, đòi hỏi mỗi bên phải có khả năng độc lập hoàn toàn, tỉnh táo đưa ra những lựa chọn, quyết định sao cho đáp ứng được lợi ích của hợp tác, của việc tìm kiếm thỏa hiệp trong các vấn đề tranh chấp. Nếu hai bên làm được các việc vừa nêu, thì không có thế lực nào có thể ngăn cản được những nỗ lực tăng cường củng cố quan hệ Nga-Thổ.