“Tái ông thất mã...” – Cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ liệu có trở thành cơ hội thống nhất Syria?

VietTimes -- Chưa đầy một tuần sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi miền bắc Syria, lực lượng vũ trang người Kurd đã đạt được thỏa thuận mới với chính phủ Syria để chống lại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Có ý kiến lạc quan cho rằng, biết đâu việc Mỹ bỏ rơi đồng minh và cuộc xâm lăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại là cơ hội để những phe phái khác nhau ở Syria gạt bỏ bất đồng, đi tới thống nhất cùng nhau tái thiết đất nước...
Ngày 14/10, dân chúng thị trấn Tal Tamr ở miền Bắc Syria vui mừng đón quân đội chính phủ tiến vào. Ảnh: AFP.
Ngày 14/10, dân chúng thị trấn Tal Tamr ở miền Bắc Syria vui mừng đón quân đội chính phủ tiến vào. Ảnh: AFP.

Các phe phái đối lập ở Syria gác lại bất đồng để chống Thổ Nhĩ Kỳ

Chính phủ của người Kurd đã đưa ra một tuyên bố trên mạng xã hội rằng họ đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria để tránh đụng độ, cùng nhau chống lại sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng chính phủ có thể vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria để hỗ trợ đội quân của lực lượng dân chủ Syria. Theo chính phủ Syria, hai bên đã gặp nhau ở Damascus, nhưng quan chức người Kurd Suleiman nói rằng cuộc gặp này thực ra được tổ chức tại căn cứ quân sự của quân đội Nga ở tỉnh Latakia và các quan chức Nga cũng tham gia.

Đội Tự vệ của lực lượng dân chủ Syria (SDF) cũng ra tuyên bố nói: “(Chúng tôi) đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria. Vai trò của quân đội chính phủ là bảo vệ biên giới của đất nước và bảo vệ chủ quyền của Syria. (Theo thỏa thuận) quân đội Syria sẽ tiến vào (vùng Đông Bắc) và triển khai dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ để giúp SDF ngăn chặn cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trước khi thỏa thuận được ký kết, đã có tin rằng lực lượng chính phủ Syria đã đưa quân lên phía bắc, tiến vào Kara – một thị trấn quan trọng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trước đây. Đài truyền hình nhà nước Syria hôm thứ Hai nói quân đội đã vào thị trấn biên giới Tall Tmar gần Thổ Nhĩ Kỳ và đến căn cứ không quân Tabqa. Các lực lượng chính phủ sẽ tiến tới thị trấn chiến lược Manbji và thị trấn quan trọng Ayn al-Arab của người Kurd.

Dân chúng thị trấn miền Bắc Qamishli đổ ra đường chào đón quân đội chính phủ tiến vào tối 14/10
Dân chúng thị trấn miền Bắc Qamishli đổ ra đường chào đón quân đội chính phủ tiến vào tối 14/10

Vào cuối ngày Chủ nhật 13/10, hình ảnh từ truyền hình Syria cho thấy cư dân của thị trấn Hassakeh ở biên giới phía bắc đã đổ ra đường để ăn mừng một thỏa thuận giữa chính phủ Syria và người Kurd, nhiều người thề sẽ sát cánh chiến đấu cùng quân đội đẩy lùi cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo “The New York Times”, một bản thỏa thuận đã được công bố vào tối Chủ nhật (13 tháng 10). Theo hiệp nghị đã được ký kết, quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ quay trở lại đóng quân ở vùng đông bắc Syria để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Sau khi Mỹ rút quân, lực lượng người Kurd hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ của Tổng thống Assad.

Washington Post đưa tin, sau ba ngày đàm phán giữa các lực lượng người Kurd, đặc phái viên Nga và chính phủ Damascus cuối cùng đã đạt được thỏa thuận.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu vào đất Syria tới 30km
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu vào đất Syria tới 30km

Trong 6 ngày qua kể từ hôm 8/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh của họ đã vượt qua biên giới, tiến vào các thành phố và làng mạc ở miền bắc Syria, đụng độ với các tay súng người Kurd trong dải đất lên tới 125 dặm (201 km). Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến ít nhất 130 ngàn người phải bỏ nhà cửa di tản đến nơi an toàn.

Tổ chức Trạm quan sát nhân quyền Syria (Syrian Observatory for Human Rights, SOHR), một tổ chức của Anh quốc theo dõi cuộc chiến Syria và các quan chức người Kurd Syria cho biết, hôm Chủ nhật (13/10), một đoàn xe đã bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công ở thị trấn biên giới Ras al-Ayn của Syria, ít nhất 9 người đã thiệt mạng, trong đó có 5 thường dân.

Mỹ tiếp tục rút thêm 1000 quân nữa khỏi miền Bắc Syria
Mỹ tiếp tục rút thêm 1000 quân nữa khỏi miền Bắc Syria

Ông Trump rút quân bỏ rơi đồng minh để thực hiện cam kết khi tranh cử, Nga làm ngơ để Thổ Nhĩ Kỳ tiến công

Mỹ từng đưa quân đội giúp lực lượng người Kurd lật đổ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) ở Syria. Vì cho rằng ý định ban đầu là loại bỏ “nhà nước Caliphate” đã được thực hiện, Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng đã đến lúc Mỹ cần rút quân khỏi Syria. Đây cũng là việc hoàn thành một cam kết khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình - để giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến tranh kéo dài bất tận này.

Ông Trump đã viết trong bản tweet của mình: “Thay đổi cách làm trước đây và không bị cuốn vào cuộc chiến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là một lựa chọn rất khôn ngoan. Những người đã sai lầm đưa chúng ta vào cuộc chiến ở Trung Đông vẫn đang thúc đẩy (chúng ta) chiến đấu. Họ không biết rằng họ đã có quyết định sai lầm lớn như thế nào!”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 13/10 tiết lộ, dưới sự chỉ thị của Tổng thống Trump, quân đội Mỹ đang rút khoảng 1.000 binh sĩ ra khỏi miền bắc Syria.

Ông Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper trao đổi về tình hình Syria hôm 13/10
Ông Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng  Mark Esper trao đổi về tình hình Syria hôm 13/10

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ tấn công Syria nhằm mục đích loại bỏ Lực lượng Bảo vệ người Kurd Syria (YPG) – thành phần chính của “Lực lượng Dân chủ Syria” – bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố cấu kết với phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và đích cuối cùng mà Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tới là lập ra một “khu vực an toàn” (vùng đệm) ở phía đông sông Euphrates của Syria.

Trong cuộc tấn công vào người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ không bị Nga cản trở nên cứ mặc sức thẳng tiến và kiểm soát những khu vực quan trọng của người Kurd dọc theo các con đường chính như Ayn al-Arab và Ras al-Ain. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thấy xuất hiện tình huống tốt đã tuyên bố rằng ông sẽ mở rộng chiều sâu mặt trận trong đất Syria 30 km đến Hassakeh và hành động tại Manbji để đánh đuổi người Kurd, nhưng ông nhấn mạnh sẽ không chiếm đóng.

Trước đó, Lầu Năm Góc đã biết về việc triển khai quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố sẽ rút thêm 1.000 quân nữa. Hiện tại, Mỹ chỉ còn lại vài trăm binh sĩ đang đóng quân tại các thị trấn Syria giáp Iraq và Jordan. Ông Erdogan hoan nghênh quyết định rút quân của Mỹ. Ông cũng nói, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành phố Ayn al-Arab ở phía bắc Syria, họ không gặp phải bất kỳ trở ngại nào từ Nga và mô tả đây là một chính sách tích cực. Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đêm 13/10 đã khiến thêm 14 người khác thiệt mạng, 10 người trong số đó là dân thường. Lực lượng Dân chủ Syria cáo buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng hộ tống dân thường.

Người dân Syria chôn cất những người bị chết trong cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Người dân Syria chôn cất những người bị chết trong cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ bị cáo buộc từ bỏ đồng minh và mở cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd. Truyền thông Anh cho biết, Tổng thống Mỹ Trump hôm Chủ nhật 13/10 đã gặp gỡ các nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về vấn đề Syria. Sau đó, ông nói rằng cả hai đảng đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Tài chính đã sẵn sàng hoặc sẽ tìm kiếm thêm các đạo luật liên quan. Các quan chức nói rằng tất cả các cấp chính quyền đã đề ra các biện pháp trừng phạt chống lại Ankara và có thể được công bố bất cứ lúc nào.

Mặt khác, các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng xem xét việc cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa sẽ khởi kiện Ankara về tội ác chiến tranh. Đức, Pháp, Ý và Hà Lan đã ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan bày tỏ bất bình và khiển trách: “Các vị đứng về phía nào? đồng minh của NATO hay những kẻ khủng bố?”. Ông đặt câu hỏi về sự phản đối của các nước châu Âu có lẽ vì “Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong NATO”.

Nhà cửa của người Syria bị cháy do trúng bom của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà cửa của người Syria bị cháy do trúng bom của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Syria giờ đây đã trở thành nơi diễn ra ván cờ của các nước lớn và các thế lực đối địch. Vì vậy, có ý kiến cho rằng có thể thỏa thuận giữa chính phủ Syria và các lực lượng người Kurd chỉ là thỏa hiệp tạm thời. Một khi đẩy lui được người Thổ Nhĩ Kỳ thì không có gì đảm bảo họ sẽ tiếp tục đoàn kết với nhau để khôi phục nền hòa bình, tái thiết đất nước.

Theo Đông Phương, Epoch Times