Tài năng nhí - liệu còn “tấm vé đi tuổi thơ”?

Game show dành cho các tài năng nhí với đủ loại hình khiêu vũ, ca hát, các quán quân, á quân, hiện tượng game show… phiên bản “nhí”. Nhân tài nhí nhiều nhan nhản, duy những tấm “vé đi tuổi thơ” là ngày càng khan hiếm?
Phương Mỹ Chi, Quang Anh liệu có “trụ nổi” ở môi trường showbiz Việt?
Phương Mỹ Chi, Quang Anh liệu có “trụ nổi” ở môi trường showbiz Việt?

Cú trượt của thần đồng

Game show nở rộ, cũng đồng thời với tham vọng càn quét cho bằng hết mọi thị phần khán giả (cũng chính là thị phần quảng cáo), các game show đình đám: The Voice, Bước nhảy hoàn vũ, Gương mặt thân quen… do đó không dại gì bỏ qua các phiên bản nhí cho các mùa tiếp theo, sau khi “hiệu ứng mùa đầu” của các “game show mẹ” đã tạm lắng. Nếu như ở các game show “người lớn”, các quán quân, á quân sau khi đăng quang là mải mốt chạy đua với thời gian thì với các tài năng nhí, là cả một chặng đường dài trước mặt. Câu chuyện “nên để các em tập trung trước hết vào việc học, thay vì mải miết chạy sô để đánh mất tuổi thơ lẫn tương lai” do đó cũng đã nhiều lần được báo chí cũng như giới làm nghề đặt ra để khuyến cáo các bậc cha mẹ của các quán quân, á quân… (hầu hết có gia cảnh rất dễ “mất lái” trước những cơ hội đổi đời).

Quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 Quang Anh.
Quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 Quang Anh.

Chẳng phải thế giới đã từng phải đau lòng chứng kiến những cú trượt dài của Macaulay Culkin - sao phim “Ở nhà một mình”, từng được đánh giá là “Tài năng nhí lớn nhất thập kỷ của Hollywood” là gì! Không lâu sau khi tỏa sáng, “thần đồng điện ảnh” đã nhanh chóng biến thành một “đứa trẻ hư của Hollywood”, rồi sau đó là “biểu tượng” của một người đàn ông sa ngã, bệ rạc và thiếu giáo dục, vì vô số những scandal vây quanh, những cám dỗ ập đến quá sớm với một đứa trẻ. Cú trượt của thần đồng, cũng là cú sốc của công chúng, đã khiến truyền thông Mỹ, cũng như các bậc làm cha làm mẹ phải đặt câu hỏi: Phải chăng sự nổi tiếng quá nhanh chóng nhưng lại thiếu đi sự định hướng đúng đắn của gia đình và xã hội đã gây chết yểu một tài năng hiếm có? Nghi vấn tương tự cũng được đặt ra kể từ sau cái chết của vua nhạc pop lừng danh Michael Jackson khi truyền thông lần giở lại những trang đời “chín ép” của anh, và thêm lần nữa ngậm ngùi thấu hiểu, phía sau những “bước nhảy mặt trăng” tưởng chừng như nhẹ bẫng kia, cái giá phải trả là quá lớn và quá nặng…

“Showbiz mùa nước lũ”

Showbiz ở Việt Nam, tất nhiên, không phải là cỗ máy kiếm tiền kinh khủng như Hollywood và nền công nghiệp giải trí Mỹ, nhưng cũng đủ đưa đến những cuộc đổi đời đầy cám dỗ: Mới hơn 10 tuổi, Quán quân The Voice Kids mùa đầu Phương Mỹ Chi - dưới sự bảo bọc của ngôi sao hải ngoại Quang Lê - đã sớm có được những chuyến lưu diễn xuất ngoại, liên tiếp giành được những giải thưởng có giá trị “hiện kim” và giúp được bố mẹ đổi nhà, tậu quán… 

Nhưng song hành cùng cơ may, cũng lại là sự bủa vây của scandal - vốn không có ý định tha bổng bất kỳ ai, kể cả các tài năng nhí: Cô bé từng hát rất ngọt bài “Quê em mùa nước lũ” cũng đã từng không ít bận bị những “cơn lũ” tin đồn nhấn chìm, nào là tin đồn bỏ học chạy show, mải mê kiếm tiền, đốt chạy giai đoạn đến mức mất giọng, hoặc những lùm xùm xung quanh tin nhắn bình chọn tại “Bài hát yêu thích”… Những lời khuyến cáo (vì sự yêu mến, mà có thể, vì… ghen ăn tức ở cũng có (?), vì thế đã không ngừng được đặt ra với trường hợp của Phương Mỹ Chi, cũng như một số tài năng nhí “gặp thời” khác. Lại có ý kiến phản biện: Chạy sô kiếm tiền giúp gia đình thì bảo là sợ mất tuổi thơ, biết đâu nghèo thì cũng… đâu có tuổi thơ (?!).

Nổi tiếng lâu mau, nhiều khi còn có... số. Khó nữa là để trả lời câu hỏi: Cái giá phải trả nào cho các quán quân, á quân… gameshow, thì ở thời điểm hiện tại là… chưa có. Vì thời gian cho đến nay mới chỉ trả lời được đến trường hợp của Xuân Mai: Sau những năm tháng tuổi thơ được đủ mọi khán giả lớn bé trong nước, thậm chí hải ngoại - không ai là không biết tới - thì giờ đây là một Xuân Mai có phần già trước tuổi, cùng giọng hát ngang phè phè tới mức không thể tin nổi - nghe chừng là rất khó quay trở lại con đường ca hát, nếu muốn. Hay như Hiền Thục, trước khi tìm lại được chỗ đứng của mình trong showbiz, cũng đã phải trải qua một thời gian dài lận đận để đánh tan “định kiến cô bé chuyên hát thể loại nhạc “hổng dám đâu”, khi đã là một thanh nữ. 

Trong khi đó, Tóc Tiên - một giọng hát nhí trưởng thành gần như cùng thời điểm, từ một xuất phát điểm phải nói là khiêm tốn hơn nhiều so với sự nổi đình nổi đám của Xuân Mai, Hiền Thục… thì hiện tại, đã “trở lại lợi hại hơn xưa” rất nhiều, sau một thời gian đầu quân cho hải ngoại. Có điều, không phải bằng giọng hát, mà là bằng vẻ sexy - thứ mà showbiz Việt Nam - cũng như các nhãn hàng quảng cáo - ngày nay luôn chào đón...

Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi - cựu HLV The Voice Kids: “Các em còn có 90 năm để sống, không việc gì phải vội!”

“Có lẽ đã đến lúc showbiz Việt cần cho khán giả được… thở với, vì lúc này nhiều game show quá, nhiều “tài năng” quá. Nếu đưa vào thị trường quá nhiều “trái chín ép” sẽ rất dễ đánh mất (hơn là tạo cơ hội) cho những tài năng trẻ trong việc đi đường dài của họ. Công thức của truyền hình thực tế là luôn cố gắng vẽ ra những câu chuyện cổ tích, những giấc mơ đổi đời, và có những điều quả thực cũng đã diễn ra trong thực tế. Nhưng đó không phải là tất cả, và càng không nên là điều chúng ta gieo vào lòng con trẻ, rằng: Không cần phải nỗ lực quá nhiều, những giấc mơ cũng sẽ đến. Gieo ước mơ khác với việc vẽ ra những giấc mơ, tôi nghĩ thế.

Hàng ngày, tiếp xúc với hàng trăm em theo học tại Soul Academy, câu hỏi mà tôi thường đặt ra với học trò của mình là: Các con ái mộ ai? Câu trả lời, phần lớn, là sao ngoại, mà rất ít khi là một ngôi sao trong nước. Điều đó ít nhiều cho thấy, mặc dù các tài năng, hiện tượng… dù không ngừng được game show sản sinh, thậm chí đánh bóng, nhưng để thực sự ở lại trong lòng khán giả, hoàn toàn là một câu chuyện khác, không đơn giản như ai đó nghĩ. Thật ra, 99% phụ huynh gửi con vào học ở chỗ tôi, nguyện vọng của họ không phải là muốn con mình sớm được nổi tiếng, mà là để giúp con có được một đời sống tinh thần phong phú hơn. Tôi ủng hộ quan điểm đó, và thậm chí còn cho rằng, trong số hơn 300 em theo học tại Soul Academy, nếu như tìm ra được chỉ chừng 5% tài năng trong số, theo tôi cũng đã là quá nhiều. “Các em còn có 90 năm để sống, nên không việc gì phải vội!” - là câu mà tôi rất hay “dọa” học trò của mình, để cho chúng nó “sợ”…

Kiện tướng dancesport Khánh Thi - Giám khảo “Bước nhảy hoàn vũ” nhí: “Bao bọc, đánh bóng quá dễ gây tác dụng ngược”

“Phải nói, nhà ai bây giờ cũng là “con hiếm, con quý”, nên có một số cháu (thường là con nhà giàu) được bao bọc, chiều chuộng quá, tới mức ù lì. Nhiều phụ huynh không bảo nổi con, phải nhờ cô nắn giúp. Khi đứng lớp (tại Trung tâm Dancesport Khánh Thi - PV), tôi vì thế thường tương đối nghiêm khắc với các em. Điều đó có mẹ thích, có mẹ lại không thích cho con học nữa. Nhưng quan điểm của tôi là: Đối với con trẻ, đặc biệt là các tài năng nhí, dù không nên tạo ra những “trái chín ép”, nhưng hãy luôn tạo cho chúng cảm giác đã là một người trưởng thành, có thể tự mình làm được nhiều việc. Bất kỳ sự đánh bóng, bao bọc nào, từ gia đình hay cả nền công nghiệp giải trí, nếu thái quá, sẽ gây ra những tác dụng ngược đối với con trẻ”.T.A (ghi)

Theo Lao động