Quy hoạch Hà Nội đến năm 2050 thế nào?

Hà Nội sẽ là đô thị lớn có chức năng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây sẽ là khu vực phát triển năng động, chất lượng đô thị cao, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ xem Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Thủ tướng Chính phủ xem Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương liên quan, nghe báo cáo đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đồ án, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ là đô thị lớn có chức năng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây sẽ là khu vực phát triển năng động, chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững.

Hà Nội sẽ là đô thị đặc biệt, bảo đảm an ninh quốc phòng và là trung tâm đầu não chính trị - hành chính, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giáo dục quốc tế của cả nước.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quy hoạch - Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, các cơ quan liên qua tiếp thu, hoàn thiện Đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương trong vùng cần quan tâm, cập nhật, rà soát, bổ sung quy hoạch địa phương gắn với nội dung quy hoạch khi đồ án đã được phê duyệt.

Các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế của mình để phát triển, nhất là tiềm năng về đất đai, du lịch. Năng động, sáng tạo trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội, nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

Nhiệm vụ lớn tiếp theo được Thủ tướng đề cập là cần tiếp tục quan tâm, huy động nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt trong vùng Thủ đô để đảm bảo cho giao thông thông suốt, tạo thuận lợi cho đi lại và giao thương.

Tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ trong quy hoạch, phát triển, mở rộng các sân bay trong vùng, đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề quốc phòng, an ninh.

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259 năm 2011. Từ đó đến nay, các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô bước đầu triển khai, bám sát các định hướng, chiến lược theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Theo Giao Thông