Nga đánh đông dẹp bắc khiến Mỹ-NATO choáng váng

VietTimes -- Theo AP, các nhà phân tích cảnh báo rằng quân đội thiện chiến của ông Putin có thể sẵn sàng hành động tự do hơn ở Syria, Ukraine và các nơi khác với hy vọng rằng tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump sẽ chú trọng tới các lợi ích của Nga chứ không phải đối đầu với Mátxcơva.
Siêu tăng Armata của Nga được coi làm một cuộc cách mạng về công nghệ
Siêu tăng Armata của Nga được coi làm một cuộc cách mạng về công nghệ

Với cụm tác chiến tàu sân bay triển khai ở gần bờ biển Syria và hàng trăm máy bay, tên lửa, xe tăng mới được tăng cường hằng năm, tổng thống Nga Vladimir Putin có thể triển khai sức mạnh quân đội Nga ở quy mô lớn chưa từng thấy kể từ thời Xô Viết, AP đánh giá.

Theo hãng tin Mỹ, những nỗ lực cải cách lớn đã diễn ra sau cuộc chiến Nga- Georgia năm 2008 đã biến một quân đội thiếu ý chí và rệu rã trở thành một lực lượng nhanh nhạy, có khả năng triển khai nhanh chóng ở Ukraine và Syria. Những ngày mà Nga bị buộc phải bỏ đi hàng chục tàu chiến và không có khả năng triển khai phần lớn lực lượng không quân do những khó khăn về mặt tài chính đã lùi xa.

Nếu như một thời gian dài trước kia nhiều thanh niên Nga đã tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự bắt buộc, thì hiện nay việc tuyển quân đã mở rộng lực lượng chuyên nghiệp trong một quân đội hiện đại hơn, được huấn luyện tốt hơn và đầu tư nhiều hơn.

“Cải cách quân đội đã mang lại cho Nga, điện Kremlin và ông Putin một công cụ hữu ích trong triển khai chính sách đối ngoại mà Nga đã không thể có trong suốt một phần tư thế kỷ qua”, ông Dmitry Trenin- giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Mátxcơva cho hay.

Cụm tác chiến tàu sân bay Nga tới Syria tham gia chiến dịch quân sự
Cụm tác chiến tàu sân bay Nga tới Syria tham gia chiến dịch quân sự
Tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm tấn công các mục tiêu khủng bố tại Syria
Tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm tấn công các mục tiêu khủng bố tại Syria

Thực tế này phủ bóng từ Matxcơva đến Washington và xa hơn thế. Câu hỏi trọng yếu là: Liệu ông Putin có tiếp tục triển khai lực lượng tham gia vào các hoạt động tranh chấp đơn phương hay không, hay liệu cuộc bầu cử ở Mỹ của Donald Trump có làm tan băng trong quan hệ Nga-Mỹ và mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác hai nước? Ứng viên cho chức cố vấn an ninh quốc gia trong nội các của Trump, Tướng hồi hưu Michael Flynn đã nói rằng ông coi Nga là một đối tác quân sự tiềm năng ở Syria và cả những nơi khác.

Lực lượng quân sự của ông Putin hiện nay trái ngược hoàn toàn với những ngày rã đám của Liên Xô, khi Liên bang Nga thừa hưởng số quân lên tới 4 triệu quân mà ngân sách khó có khả năng nuôi nổi.

Nga đã nhanh chóng cắt giảm quân số xuống 1 triệu binh sĩ và sau đó phải vật lộn với những chiến dịch nổi loạn sau sự ly khai của nước Cộng hòa Checnya vào những năm 1990. Trong suốt cuộc chiến 5 ngày với Georgia, các đơn vị quân đội thiếu các thiết bị hiện đại sau khi những thiết bị đã có tuổi đời 15 năm bị hỏng, quân đội cũng thất bại trong hoạt động thông tin liên lạc và nhiều nạn nhân chết oan từ những đợt dội bom không chính xác. Nổi giận trước những yếu kém này, ông Putin và các chỉ huy quân đội đã tiến hành chương trình tái cơ cấu tận gốc quân đội Nga và tăng chi tiêu quân sự.

Có lẽ sự thay đổi quan trọng nhất hiện nay trong quân đội Nga là về cơ cấu binh sĩ. Trong khi thanh niên độ tuổi từ 18 đến 27 vẫn phải thực hiện một năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc, Nga cũng đang thu hút những người tình nguyện nhập ngũ ít nhất hai năm và xây dựng văn hóa nhấn mạnh vào việc coi quân sự như là một nghề chuyên nghiệp.

Trong khi người đi nghĩa vụ quân sự chỉ được trả phụ cấp 2.000 rúp (tương đương 31USD) một tháng thì những người tình nguyện đi lâu hơn được trả lương gấp mười lần và những đặc quyền kèm theo. Nếu được thăng chức lên trung sĩ sẽ được hưởng 40.000 rúp/tháng (tương đương 620 USD), cao hơn hẳn mức lương trung bình của các nghề nghiệp khác.

Binh sĩ Nga hiện nay được trang bị rất đầy đủ và hiện đại
Binh sĩ Nga hiện nay được trang bị rất đầy đủ và hiện đại
Một góc trung tâm điều hành tác chiến của Bộ quốc phòng Nga
Một góc trung tâm điều hành tác chiến của Bộ quốc phòng Nga

Bộ Quốc phòng Nga cho biết những quân  nhân ký hợp đồng phục vụ lâu hơn, phần lớn trong số đó là những người từng đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc và chọn cách ở lại, đã vượt số lượng lính đi nghĩa vụ bắt buộc kể từ năm 2015.

Nhà phân tích quân sự ở Matxcơva Pavel Felgenhauer cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế hai năm qua ở Nga đã khiến thị trường lao động ảm đạm đi nhiều, nhờ đó việc tuyển lính tình nguyện cũng trở nên dễ dàng hơn.

Tại một trung tâm tuyển lính mới mở ở Yekaterinburg, thành phố lớn nhất ở trung tâm nước Nga, các binh sĩ trong bộ đồng phục mới phân phát các tờ rơi của quân đội và tiến hành các bài test bằng máy tính với thí sinh.

“Quân đội đang dần mạnh lên khi số lượng các lính tình nguyện tăng lên”, thiếu tướng Alexander Yarenko, người quan sát văn phòng tuyển quân ở Yekaterninburg nhận định. “Vũ khí của quân đội hiện nay cũng khá phức tạp, do đó cần đào tạo cao hơn”, ông cho biết.

Một số thanh niên đi lính tình nguyện đã đưa ra một số lí do thực tế cho việc gia nhập, một số lại thấy đây là cuộc phiêu lưu kỳ thú. “Tôi đã quyết định ký vào bản hợp đồng vì nó mang lại triển vọng nghề nghiệp cho tương lai của tôi, đặc biệt là với những sinh viên tốt nghiệp đại học”, Vladislav Volkhin, 22 tuổi, cử nhân ngành công nghệ thông tin cho hay.

“Các nghề nghiệp dân sự khác làm việc theo lịch trình nhàm chán, còn nghĩa vụ quân sự lại thú vị và nhiều màu sắc hơn,” Dmitry Batalov, 21 tuổi, cử nhân ngành luật và tài chính nhưng lại thích nối bước bác mình, một cựu chiến binh từng chiến đấu tại Chechnya hào hứng kể. Balatov nói rằng anh hy vọng nghề này sẽ “mạo hiểm và được chiến đấu chống lại cái ác và được tham gia các chiến dịch đặc biệt”.

Triển vọng diễn ra các chiến dịch đặc biệt như vậy là hoàn toàn có thể. Kể từ năm 2014, Nga đã ở trong tình trạng căng thẳng với phương Tây theo cách chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Đầu tiên là việc sáp nhập Crimea sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Tiếp nữa, Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Syria để hỗ trợ tổng thống Bashar Assad và chống lại các nhóm phiến quân do Mỹ hậu thuẫn, cũng như nhằm chống lại tổ chức khủng bố IS.

Tháng trước, tàu sân bay duy nhất của Nga là Đô đốc Kuznetsov đã cho các máy bay ném bom các mục tiêu ở Syria. Đây là những cuộc tấn công đầu tiên từ tàu sân bay trong lịch sử quân đội Nga. Nga đang sử dụng chiến dịch Syria để kiểm nghiệm những vũ khí mới trong điều kiện chiến đấu thực tế bao gồm tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và trực thăng.

Đầu thập kỷ này, điện Kremlin đã quyết định chi 20.000 tỷ rúp (tương đương hơn 300 tỷ USD) nhằm hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng đến tận năm 2020. Đến nay, cam kết này vẫn không thay đổi cho dù Nga rơi vào suy thoái vì áp lực kép từ việc giá dầu giảm và sự cấm vận của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Lính dù Nga trong một cuộc tập trận đổ bộ đường không
Lính dù Nga trong một cuộc tập trận đổ bộ đường không
Cường kích Su-34 Nga tham chiến tại Syria
Cường kích Su-34 Nga tham chiến tại Syria
Một triển lãm các loại vũ khí, phương tiện chiến đấu do Nga sản xuất
Một triển lãm trưng bày các loại vũ khí, phương tiện chiến đấu do Nga sản xuất

Chỉ riêng năm ngoái, Nga đã chi mức kỷ lục khoảng 48 tỷ USD vào quốc phòng, cao hơn 25% so với năm 2014 và hơn 1/5 tổng ngân sách của nước này. Lực lượng vũ trang Nga đã nhận được 35 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, hơn 240 máy bay chiến đấu và trực thăng, gần 1.200 xe tăng và các xe bọc thép khác. Đây là sự phát triển đột phá vũ khí của Nga kể từ thời Xô Viết.

Theo AP, các nhà phân tích cảnh báo rằng quân đội thiện chiến của ông Putin có thể sẵn sàng hành động tự do hơn ở Syria, Ukraine và các nơi khác với hy vọng rằng tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump sẽ chú trọng tới các lợi ích của Nga chứ không phải đối đầu với Mátxcơva.

Chuyên gia Trenin cho rằng triển vọng quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Vladimir Putin “có thể là cách tốt hơn để giải quyết mối quan hệ rất khó khăn này”.

Ông Felgenhauer lưu ý, cho dù phương Tây có thể thoái lui thì Nga vẫn có thể coi bất cứ phản đối hành động nào với Nga như sự biện minh cho việc chi tiêu quốc phòng mạnh tay hơn. “Quân đội Nga có hiện có lợi ích trong việc đối đầu nhiều hơn với phương Tây”, ông Felgenhauer nhận xét.