Syria bắn rơi F-16 Israel, ông Putin “hạ hỏa” đầu nóng

Trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu, Tổng thống Putin kêu gọi nhà lãnh đạo này "tránh mọi bước đi có thể dẫn đến vòng đối đầu mới, nguy hiểm cho tất cả mọi người trong khu vực",  RT dẫn lời Điện Kremlin cho biết.
Lần đầu tiên chiến đấu cơ F-16 Israel bị phòng không Syria bắn hạ, đẩy xung đột hai bên vào vòng xoáy nguy hiểm mới
Lần đầu tiên chiến đấu cơ F-16 Israel bị phòng không Syria bắn hạ, đẩy xung đột hai bên vào vòng xoáy nguy hiểm mới

Sau khi Israel liên tiếp tung các đợt không kích tấn công vào lãnh thổ Syria, tổng thống Nga Vladimir Putin thúc giục thủ tướng Benjamin Netanyahu tránh mọi hành động có thể đổ thêm dầu vào lửa, trong khi lãnh đạo Israel tuyên bố có quyền tự vệ khi bị tấn công.

Ngày 10/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sau cáo buộc máy bay không người lái của Iran xâm nhập không khận Israel, khiến không quân Israel tiến hành cuộc tấn công trả đũa lớn nhất vào Syria trong vòng hơn 30 năm. Trong bối cảnh leo thang biên giới, một chiếc F-16 của Iran bị hệ thống phòng không S-200 của Syria bắn rơi.

Thủ tướng Netanyahu tuyên bố với ông Putin rằng Israel sẽ bảo vệ đất nước chống lại mọi mối đe dọa của Iran từ lãnh thổ Syria. Tel Aviv cho rằng điều quan trọng đối với an ninh quốc gia là nhằm mục tiêu vào những lợi ích của Iran ở Syria, cũng như ngăn chặn các chuyến xe vận chuyển vũ khí cho lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Syria.

"Tôi nhắc lại với ông Putin về quyền và nghĩa vụ của chúng tôi phải bảo vệ mình trước bất kỳ hành động gây hấn nào từ lãnh thổ Syria. Chúng tôi nhất trí phối hợp an ninh giữa các quân đội" - ông Netanyahu phát biểu tại cuộc họp báo tối 10.2, đồng thời đổ lỗi cho Iran về vụ việc cùng ngày.

Thủ tướng Israel cũng thông báo đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sau khi căng thẳng leo thang. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khi bình luận về hành động của Israel ở Syria nhấn mạnh rằng Mỹ "ủng hộ mạnh mẽ" quyền tự vệ của Israel.

Theo báo Mỹ Defense News, sẽ rất khó để S-200 Syria thực hiện pha đánh chặn này bởi nhiều lý do khác nhau.

Tờ báo Mỹ cho rằng, điểm yếu của hệ thống S-200 chính là sử dụng bệ phóng cố định và radar cồng kềnh, không có khả năng cơ động trong điều kiện chiến tranh. Tuy một số nước như Iran từng hiện đại hóa S-200 để giảm thời gian triển khai và thu hồi, khả năng cơ động kém vẫn là điểm yếu chết người của tổ hợp này.

Trong trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn, các trận địa S-200 dễ bị vô hiệu hóa bằng vũ khí như tên lửa hành trình trước khi kịp đe dọa máy bay đối phương. Điều này khiến lá chắn S-200 chỉ có tác dụng chính là răn đe trong thời bình.

Theo phân tích của chuyên gia Mỹ, dù là hệ thống phòng thủ tầm cao chỉ đứng sau S-400 và xa hơn hẳn hệ thống S-300 hiện tại nhưng hệ thống S-200 lại không có khả năng bám và bắt chết mục tiêu tầm thấp.

Báo Mỹ cho rằng, gần như chắc chắn vũ khí Syria dùng để bắn hạ chiếc F-16 của Israel không phải là S-200 mà nó có thể là Buk-M2 hoặc phiên bản tối tân của Pantsir-S hơn cả bản của Nga đang dùng mới được Moscow chuyển giao cho Damascus trước đó không lâu.