Sự cố cáp AAG không xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên?

Sự cố rò nguồn trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG (Asia - America Gateway) xảy ra ở đoạn từ Vũng Tàu đi Hong Kong và Singapore, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km. 
Chưa đầy 2 năm đã có tới 4 lần tuyến cáp quang biển AAG bị đứt
Chưa đầy 2 năm đã có tới 4 lần tuyến cáp quang biển AAG bị đứt

Theo thông báo của Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I), lúc 5g27 ngày 23-4 đã xảy ra sự cố rò nguồn trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG (Asia - America Gateway) đoạn từ Vũng Tàu đi Hong Kong và Singapore, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km. 

Sự cố đã gây ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet giữa Việt Nam và quốc tế. Sự cố sau đó được xác định nằm ngoài khơi Vũng Tàu và đòi hỏi phải sử dụng tàu cáp chuyên dùng của quốc tế để khắc phục.

Mất từ 3 tuần đến 1 tháng sửa chữa

VNPT-I cho biết đã định tuyến liên lạc qua các hệ thống cáp quang biển SMW3, cáp đất liền và thông tin vệ tinh, đồng thời bổ sung dung lượng qua các hệ thống này.

Tương tự, FPT cho rằng việc trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video... sẽ bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng có khả năng gây nghẽn.

Do đó, FPT Telecom cũng phải sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng.

Trong số các nhà cung cấp, chỉ có Viettel khẳng định sự cố này không ảnh hưởng đến mình. Viettel cho biết ngay khi xảy ra sự cố đã bổ sung dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA) và hai hướng cáp quang đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom để đảm bảo khách hàng không bị ảnh hưởng, kể cả vào giờ cao điểm.

Nhà mạng này cũng cho biết đặc thù công việc sửa chữa tuyến cáp quang diễn ra trên biển phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chưa thể xác định chính xác thời gian hoàn thành, dự tính thời gian sửa chữa có thể kéo dài từ ba tuần đến một tháng.

Chuyên gia hàn cáp quang biển AAG trong sự cố tháng 1-2015 - Ảnh tư liệu

Nhiều tuyến cáp nhưng vẫn sẽ tắc nghẽn

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên tuyến cáp quang AAG gặp sự cố đứt cáp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến băng thông Internet quốc tế. Gần đây nhất, ngày 5-1 tuyến cáp quang này bị đứt tại địa điểm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 117km.

Trước đó, năm 2014 tuyến cáp quang này cũng ba lần gặp sự cố do bảo dưỡng và bị đứt cáp. Mỗi lần khắc phục ít nhất mất 2-3 tuần.

Như vậy, trong năm 2014 và đầu năm 2015, liên tục các sự cố đứt cáp quang biển AAG đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người sử dụng Internet bởi sự cố này làm mất 40-70% lưu lượng kết nối Inernet đi quốc tế của Việt Nam.

Sự cố liên tiếp của tuyến cáp quang biển AAG cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tính đến phương án kết nối khác để đảm bảo hạn chế tối đa những sự cố đứt cáp quang biển ảnh hưởng lớn đối với sử dụng dịch vụ.

AAG là tuyến cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương đầu tiên nối trực tiếp Đông Nam Á và Mỹ, cung cấp kết nối giữa một số nước châu Á và Mỹ. AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, trong đó có bốn doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và SPT.

Tuyến cáp có chiều dài 20.191km (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam có chiều dài 314km) với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, trong đó VNPT là thành viên sáng lập, là doanh nghiệp Việt Nam góp vốn nhiều nhất với 40 triệu USD.

Tuyến cáp AAG chính thức hoạt động từ ngày 10-11-2009 và đến nay chiếm 40-70% lưu lượng kết nối Inernet đi quốc tế của Việt Nam.

Theo đánh giá, nguyên nhân sự cố cáp quang có nhiều như do tàu bè đi lại, thả neo vướng vào cáp; do động đất, sóng thần... nhưng tuyến AAG hầu hết không xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên.

Nhiều chuyên gia cho rằng có thể quá trình khảo sát, xây dựng và vận hành AAG chưa thật tốt nên mới thường xuyên xảy ra sự cố như vậy, nhất là các lần sự cố đều nằm trên vùng biển Vũng Tàu, nơi có trạm Việt Nam.

Do đó, việc cần thiết không chỉ là sửa chữa mà còn phải đánh giá để tìm ra nguyên nhân và khắc phục những sự cố tương tự trong tương lai.

Năm 2016 có tuyến cáp quang mới

Hiện nay, Việt Nam đang kết nối với bốn tuyến cáp quang biển gồm AAG, SMW3, TVH và tuyến liên Á (IA). Ngoài ra còn có các hướng kết nối với hệ thống cáp quang Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, tuyến AAG vẫn chiếm lưu lượng chủ đạo nên khi gặp sự cố, tất cả tuyến cáp quang khác đều có nguy cơ bị tắc nghẽn khi san tải.

Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ cần phải có thêm nhiều biện pháp dự phòng để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đối với tuyến cáp AAG khi xảy ra những sự cố liên tục trong thời gian gần đây.

Theo các nhà mạng, hiện VNPT, Viettel và FPT đang tham gia một dự án cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương kết nối châu Á và Mỹ. Theo dự kiến phải đến năm 2016 tuyến cáp quang này mới có thể hoạt động.

AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ, đi qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Số tiền đầu tư xây dựng tuyến cáp là 500 triệu USD do 19 công ty sử dụng tuyến cáp đóng góp. Có 4 công ty Việt Nam cùng tham gia đầu tư vào dự án này gồm FPT Telecom, Viettel, VNPT, SPT. 

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp đã nhiều lần gặp sự cố. Trong đó, đứt cáp hay xảy ra nhất tại đoạn Hong Kong (Trung Quốc) đến Singapore. Các phân đoạn Hong Kong đi Philippines và Philippines đi Mỹ ổn định hơn.

Trong năm 2014, tuyến cáp quang bị đứt 2 lần vào tháng 7 và tháng 9. Kể từ năm 2011 đến nay, có ít nhất 7 lần tuyến cáp bị đứt, trong đó có nhiều lần ở phân đoạn Vũng Tàu đi Hong Kong.

Theo Tuổi trẻ