Sóng thần chứng khoán Trung Quốc có dội tới Việt Nam?

"Sóng" chấn động từ cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu lan rộng tại châu Á. Các thị trường khu vực cũng đã lao đao.  
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc lo lắng theo dõi diễn biến của thị trường - Ảnh: Reuters
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc lo lắng theo dõi diễn biến của thị trường - Ảnh: Reuters

Theo AFP, trong phiên giao dịch sáng nay 9-7, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đà sụt giảm nghiêm trọng bất chấp các biện pháp can thiệp của chính phủ.

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải tụt 3,17% xuống còn vỏn vẹn 3.377,25 điểm, trong khi chỉ số chứng khoán Thẩm Quyến cũng giảm 0,74% xuống còn 1.870,54 điểm.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã ban bố nhiều biện pháp can thiệp để giải cứu thị trường chứng khoán nhưng tất cả đều vô hiệu.

Đêm qua, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) tuyên bố cấm cổ đông lớn của các công ty niêm yết được bán cổ phiếu của họ trong vòng sáu tháng tới.

CSRC cho biết “cổ đông lớn” là những người nắm giữ trên 5% cổ phiếu của các công ty niêm yết, bao gồm giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, quản lý cấp cao… Bất cứ ai vi phạm cũng sẽ bị “trừng trị nghiêm khắc” dù CSRC không nói rõ biện pháp trừng phạt là gì.

Các thị trường khu vực chao đảo

CSRC khẳng định biện pháp này sẽ giúp duy trì sự ổn định của thị trường vốn và bảo vệ quyền hợp pháp của các nhà đầu tư. Trên thực tế, trong vòng một tuần qua Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ thị trường chứng khoán nhưng tất cả đều tỏ ra vô hiệu. Đến nay hơn 1.500  công ty Trung Quốc đã ngừng giao dịch chứng khoán, tương đương 50% thị trường.

Từ hôm qua, sóng chấn động xuất phát từ Trung Quốc đã bắt đầu lan đi các thị trường khu vực. Giá cổ phiếu ở Hong Kong và các nước Hàn Quốc, Nhật, Úc… đều đồng loạt sụt giảm. Trong phiên giao dịch sáng nay, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật) giảm thêm 0,2% xuống gần mức thấp nhất trong 17 tháng qua.

Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật sụt thêm 3,15% sau khi đã giảm 3,14% hôm qua, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) hạ 0,9%, giá cổ phiếu tại Úc sụt 1,09%%...

Ngày 8-7, giá cổ phiếu Hong Kong sụt 0,34% sau khi tuột dốc tới 5,84%. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh trong ngày 8-7 bất chấp niềm hi vọng Hi Lạp sẽ không rời khối đồng euro.

Nguyên nhân do giới đầu tư lo ngại chứng khoán Trung Quốc chao đảo có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào cảnh bất ổn, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế toàn cầu. Giá hàng hóa cũng không miễn nhiễm với sự trồi sụt của thị trường chứng khoán. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã sụt giảm tới 9%, hiện đang dao động ở mức 51,86 USD/thùng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ làm tổn thương nền kinh tế nước này và đe dọa chương trình cải cách kinh tế của Bắc Kinh. Ước tính các hoạt động giao dịch đóng góp hơn 0,5% vào tăng trưởng của Trung Quốc.

Thách thức đối với Chính phủ Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng tốc dữ dội kể từ cuối năm 2014. Nhờ các quy định quản lý lỏng lẻo và sự cổ vũ ồ ạt của giới truyền thông, hàng triệu người dân Trung Quốc đã vét sạch tiền tiết kiệm và đi vay nợ để đầu tư vào chứng khoán.

Giữa tháng 6, CSRC công bố các biện pháp thắt chặt quản lý giao dịch chứng khoán do lo ngại thị trường phát triển quá nóng và cú sụp đổ bắt đầu.

Theo báo Financial Times, nguy cơ hiện tại là do giá chứng khoán giảm quá mạnh, những người đi vay nợ để mua cổ phiếu sẽ không thể trả nợ cho các công ty, ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tài chính. Giới quan sát cho rằng đây còn là một cuộc khủng hoảng chính trị đối với chính quyền Trung Quốc.

Trong thời gian qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phải đau đầu với tình trạng tăng trưởng sụt giảm. Trên thực tế, Bắc Kinh đang áp dụng tới 10 biện pháp khẩn cấp để đảo chiều thị trường, bao gồm việc đích thân chính phủ mua cổ phiếu. Hôm qua Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố sẽ chi 40,3 tỉ USD để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên các biện pháp can thiệp quá mạnh của chính quyền Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải đặt câu hỏi về việc Bắc Kinh có sẵn sàng thực hiện các bước tự do hóa thị trường như đã cam kết trong chương trình cải tổ kinh tế của nước này.

Thị trường VN chỉ ảnh hưởng tâm lý

Ông Lê Đức Khánh - giám đốc chiến lược đầu tư Công ty chứng khoán Maritime Bank:

TTCK Trung Quốc sụt giảm rất mạnh, cộng với việc TTCK VN đã tăng đáng kể trong cùng thời gian nên đã xảy ra hiện tượng điều chỉnh xuống, bắt đầu tư hôm qua 8-7.

Theo tôi, phần chính của việc điều chỉnh là do giới đầu tư tranh thủ bán ra khi chỉ số VN -Index sắp chạm ngưỡng kháng cự mạnh 650 phía trước.

Trong bối cảnh đó, tình hình chứng khoán Trung Quốc diễn biến nghiêm trọng hơn cũng ít nhiều khiến tâm lý nhà đầu tư lung lay. Để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro lớn, nhiều nhà đầu tư tại VN đã bắt đầu bán ra.

Họ có thể sẽ chờ đợi khi tình hình TQ ổn định trở lại, cộng với thị trường trong nước đi qua nhịp điều chỉnh mới quyết định mua tiếp.

Điều đáng quan tâm nhất là nhà đầu tư ngoại, những người đáng ra chịu tác động lớn hơn từ dòng luân chuyển vốn toàn cầu, lại vẫn mua vàokhông hề chùn tay ở TTCKVN. Chẳng hạn phiên hôm qua khi khối nội bán thì họ vẫn tiếp tục mua ròng với giá trị mua ròng khoảng 20 tỉ đồng.

Công ty chứng khoán Rồng Việt: Có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến kinh tế VN

Chúng tôi có thử xem xét sự tác động của thị trường Trung Quốc trên phương diện tương quan chỉ số VN Index và SHCOMP (Shanghai Stock Exchange Composite Index) trong thời gian qua.

Trong giai đoạn trước năm 2013, chỉ số VN Index gần như chạy sát với xu hướng của SHCOMP. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, mức tương quan này không còn nữa.

Theo đánh giá của chúng tôi, hai chỉ số đang dich chuyển theo tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của riêng từng quốc gia. Xét về mặt thị trường chứng khoán, ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam là không nhiều.

Tuy vậyvề mặt kinh tế, Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng mạnh đến khu vực và thế giới, từ đó,trực tiếp lẫn gián tiếp tác động đến kinh tế Việt Nam.

Theo Tuổi trẻ