Sợ thua kiện, Trung Quốc giở chiêu ly gián

VietTimes -- Trước khi Tòa án Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, Bắc Kinh đang ráo riết đi vận động hành lang để kêu gọi sự ủng hộ từ các nước khác. ASEAN cần hết sức cảnh giác trước ly gián kế của Bắc Kinh.
ASEAN cần có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông
ASEAN cần có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông

Mới đây, Trung Quốc tự khoe rằng ba nước Brunei, Campuchia, Lào đã đạt được thống nhất chung với Trung Quốc về vấn đề “ủng hộ phương châm các nước đương sự trực tiếp thông qua đối thoại, thỏa thuận giải quyết những tranh chấp liên quan đến vấn đề lãnh thổ và quyền lợi trên biển” (nhưng ngay sau đó Campuchia đã thẳng thừng bác bỏ việc này).

Một số hãng truyền thông nước ngoài phân tích, các quốc gia Belarus, Brunei, Campuchia, Lào và Nga có điểm chung là gì? Phía Bắc Kinh vẫn lặp lại luận điệu cũ rích rằng, các quốc gia này đều đứng ra ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, bao gồm cần giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua cơ chế song phương, vụ kiện của Philippines lên tòa án quốc tế về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông là bất hợp pháp.

Ngày 2/5, tờ Thời báo tài chính (FT) của Anh đưa tin, không phải ngẫu nhiên mà có những kết quả này. Thời gian tới, Tòa án trọng tài quốc tế La Hay sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh đang nỗ lực thuyết phục các quốc gia về phe mình, khẳng định tòa án trọng tài quốc tế không có thẩm quyền phán quyết.

Phán quyết của Tòa án quốc tế về vụ kiện biển Đông có thể sẽ bất lợi cho Trung Quốc.

Bài viết nhấn mạnh, mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã sang thăm Brunei, Campuchia và Lào nhằm duy trì sự ly khai về chiến lược của ASEAN trong vấn đề biển Đông. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trở thành quan chức ngoại giao cấp cao tuyên bố cùng Trung Quốc phản đối sự can thiệp từ bên ngoài đối với vấn đề biển Đông – ám chỉ Mỹ.

Bài viết cũng chỉ ra rằng, cách làm của Trung Quốc tại các vùng biển tồn tại nhiều tranh chấp đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận, biện pháp ngoại giao cũng là thủ đoạn quan trọng để Bắc Kinh kiểm soát vùng biển chiến lược có nguồn dầu mỏ, khí thiên nhiên dồi dào và nguồn hải sản phong phú. Chiến lược vận động hành lang của Bắc Kinh xung quanh vụ kiện này cho thấy, Bắc Kinh lo ngại họ sẽ bị coi là kẻ phá hoại các quy tắc quốc tế vì thách thức Tòa án trọng tài quốc tế. Mỹ và EU đã lên tiếng ủng hộ Manila và yêu cầu Bắc Kinh cần tôn trọng kết quả phán quyết của tòa án.

Bắc Kinh muốn thông qua việc xây dựng trái phép các thiết bị quân sự như sân bay và hệ thống radar trên biển Đông để tạo ra cái gọi là "sự đã rồi'.

Một góc đá Su bi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang được Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo
Một góc đá Su bi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang được Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo

Tờ FT chỉ ra rằng, Trung Quốc đang tập kết đội ngũ các quốc gia ủng hộ mình, đồng thời hứa hẹn với các quốc gia phản đối tiềm ẩn chấp nhận “hợp tác” sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các quốc gia này qua các dự án lớn, để các quốc gia này giữ lập trường trung lập. Các nhà ngoại giao trong khu vực bày tỏ sự lo ngại Bắc Kinh đang từng bước giành lợi thế trên mặt trận “mua chuộc” này.

Sau khi Vương Nghị sang thăm Brunei, Campuchia và Lào, Bắc Kinh tuyên bố đã đạt được nhận thức chung với các quốc gia này trong vấn đề phản đối “cách làm đơn phương bắt ép người khác”. Cái gọi là “cách làm đơn phương bắt ép người khác” là cách nói giảm nói tránh đối với việc Philippines đơn phương kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.

FT cho biết, Lào và Campuchia lệ thuộc nghiêm trọng vào sự đầu tư của Trung Quốc, đã từ lâu, hai nước muốn thông qua việc ngăn cản ASEAN áp dụng thái độ cứng rắn hơn đối với những vụ tranh chấp trên biển để Bắc Kinh được hưởng lợi. Brunei là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dồi dào, tuy nhiên quốc gia này đang phải chịu đựng sức ép do giá dầu thô sụt giảm mạnh, chưa bao giờ Brunei ủng hộ Bắc Kinh công khai như thời điểm này. Cùng với đó, trước vụ tranh chấp này, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia đang cố gắng đứng ngoài cuộc. Tất cả những điều này đều rất hợp với tâm ý của Bắc Kinh.

Tờ FT phân tích, những bất đồng giữa các nước ASEAN sẽ khiến Trung Quốc có thể tạo ra “sự thật sẵn có” thông qua việc xây dựng trái phép các thiết bị quân sự như sân bay và hệ thống radar trên biển Đông.

Tờ Yomiuri của Nhật Bản ngày 3/5 đưa tin, tòa án trọng tài quốc tế sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, Bắc Kinh đang cố gắng ngăn cản sự đoàn kết trong nội bộ ASEAN về vấn đề biển Đông. Trung Quốc cho rằng phán quyết là hành vi can thiệp không chính đáng, họ không thừa nhận kết quả này. Ba nước Brunei, Campuchia và Lào đã cùng Trung Quốc đạt được sự nhất trí trong việc “kiên quyết ủng hộ các nước đương sự giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi trên biển thông qua đối thoại, hiệp thương, trong vấn đề biển Đông, ASEAN đã bắt đầu xuất hiện sự bất đồng.

Các nước như Philippines, Việt Nam hoặc một số quốc gia khác thì mong muốn vấn đề biển Đông được đưa vào cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN, và nếu quả thật có hiệp định được ký kết giữa Trung Quốc và 3 nước thành viên ASEAN đã phá vỡ kế hoạch này.

Theo FT, theo kế hoạch, tháng 6 tòa án sẽ đưa ra phán quyết, EU sẽ căn cứ vào nội dung phán quyết để đưa ra thông cáo chung. Tuy nhiên, để đưa ra được thông cáo này, ASEAN cần hết sức cảnh giác trước ly gián kế của Trung Quốc.

Tờ Yomiuri cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nói: “ASEAN cần hình thành nên một tiếng nói chung”. Đây là điều hết sức cần thiết để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.

Mới đây, hãng VOA của Mỹ cũng  đưa tin, trong lúc Bắc Kinh đang tích cực tìm kiếm đồng minh trong vấn đề biển Đông thì Moscow cũng nghe ngóng và can thiệp sâu hơn vào các sự vụ ở châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và ASEAN sẽ được tổ chức tại Sochi. Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong hoạt động khai thác dầu khí tại vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố sở hữu chủ quyền, đồng thời Nga tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán vũ khí cho Việt Nam và các quốc gia châu Á khác.

VOA nhấn mạnh, kết quả phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Phillippines và Trung Quốc có thể sẽ bất lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh đang tích cực triển khai hoạt động ngoại giao trên toàn cầu để tìm kiếm nhiều đồng minh hơn. Do đó ASEAN càng phải đoàn kết để không bị sa vào ly gián kế của Bắc Kinh.

Đ.Q