|
Chênh lệch giữa GNP và GDP của các nước lớn trên thế giới là khá nhỏ, không đáng kể. Ảnh: Getty Images |
Ôn lại định nghĩa GDP và GNP
GDP (Gross Domestic Product) hay còn gọi là tổng sản phẩm quốc nội là chỉ số cơ bản nhất được sử dụng để đo lường quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng của một quốc gia. GDP tính đến tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). GDP là một con số quan trọng vì nó cho ta biết liệu nền kinh tế đang tăng trưởng hay đang suy thoái.
Bởi vì GDP chịu áp lực từ lạm phát, GDP có thể được chia thành hai loại – thực tế và danh nghĩa. GDP thực của một quốc gia là giá trị sản lượng kinh tế sau khi trừ đi lạm phát, trong khi GDP danh nghĩa là giá trị sản lượng kinh tế chưa khấu trừ lạm phát. GDP danh nghĩa thường cao hơn GDP thực vì lạm phát thường là một số dương.
GNP (Gross National Product) hay tổng sản phẩm quốc dân là một chỉ số khác được sử dụng để đo lường giá trị sản lượng kinh tế của một quốc gia nhưng thể hiện rõ hơn quy mô thu nhập và mức sống của cư dân một nước.
Nếu GDP là giá trị của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong biên giới của một quốc gia, GNP là giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi tất cả công dân của một quốc gia - cả trong nước và nước ngoài.
|
GDP và GNP khác nhau như thế nào? Ảnh: Public Health Notes |
Trong khi GDP là một chỉ số của nền kinh tế địa phương/quốc gia, GNP thể hiện mức độ đóng góp của công dân quốc gia đang xét vào nền kinh tế đất nước. Do đó, tổng sản phẩm quốc dân (GNP) sẽ bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cộng thêm khoản thu nhập mà dân cư trong nước tạo ra ở nước ngoài và trừ đi các khoản thu nhập mà người nước ngoài tạo ra trong nước.
Theo cách tính trên, giá trị của GNP tương đương với giá trị của GNI (Gross National Income), tức tổng thu nhập quốc gia hay tổng thu nhập quốc dân.
GDP của Trung Quốc năm 2020
Theo Cục Thống kê Quốc gia, nền kinh tế Trung Quốc năm 2020 đạt mức tăng trưởng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một thành tựu đáng nể trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành khắp thế giới. GDP danh nghĩa năm 2020 của Trung Quốc đạt 14,73 nghìn tỉ USD ( tính theo tỷ giá hối đoái trung bình hàng năm 6,9 NDT = 1 USD).
Trong cùng thời kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ co lại 3,5%, kết quả tệ nhất kể từ năm 1946, và GDP danh nghĩa đạt 20.93 nghìn tỉ USD. GDP danh nghĩa của Trung Quốc năm 2020 bằng 70,4% của Mỹ. Dự kiến đến năm 2021, khoảng cách kinh tế giữa hai nước có thể thu hẹp hơn nữa.
GDP bình quân đầu người Trung Quốc rơi vào khoảng 10.500 USD, tăng khoảng 2,0% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm thứ hai liên tiếp GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vượt quá 10.000 USD và được xếp hạng cao trong số các quốc gia đang phát triển lớn trên thế giới.
Theo định nghĩa của GDP đề cập ở phần trên, vào năm 2020, tất cả cư dân tại Trung Quốc (không chỉ cư dân có quốc tịch Trung Quốc, mà còn cả công dân nước ngoài sống Trung Quốc) cùng tạo ra GDP lên tới 14,73 nghìn tỉ USD, bình quân đầu người đạt 10.500 USD.
Câu hỏi đặt ra, là nếu chúng ta loại trừ công dân nước ngoài đang sống ở Trung Quốc nhưng đồng thời lại cộng vào cả công dân Trung Quốc phân bố ở các nước và khu vực khác trên thế giới, thì tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc (GNP) sẽ là bao nhiêu? Khoảng cách so với GDP sẽ lớn đến mức nào?
GNP của Trung Quốc năm 2020 là bao nhiêu?
Theo Cục Thống kê Quốc gia, tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Trung Quốc năm 2020 là 14,63 nghìn tỉ USD, tăng 1,9% so với năm 2019, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng GDP. Nguyên nhân chính là do môi trường kinh tế đi xuống ở nước ngoài do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã khiến cho hoạt động kinh tế của công dân Trung Quốc ở nước ngoài đi xuống.
Có thể thấy, vào năm 2020, GDP của Trung Quốc là 14,73 nghìn tỉ USD và GNP là 14,63 nghìn tỉ USD. Chênh lệch giữa hai chỉ số này chỉ là 0,68%, gần như bằng nhau. Do đó, GNP bình quân đầu người của Trung Quốc gần bằng với GDP bình quân đầu người, tương ứng là 10.400 USD và 10.500 USD.
Năm 2019, GDP và GNP của Trung Quốc còn gần nhau hơn nữa: cụ thể, GDP đạt xấp xỉ 14,343 nghìn tỉ USD và GNP xấp xỉ 14,308 nghìn tỉ USD. Như vậy GNP bằng khoảng 99,8% GDP (chênh lệch chỉ 0,2%).
Tại sao không có chênh lệch lớn giữa GDP và GNP ở kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ?
Tại sao khoảng cách giữa GNP và GDP của Trung Quốc lại nhỏ như vậy? Nhiều người chỉ thấy Trung Quốc đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, nhưng lại bỏ quên lượng đầu tư ra nước ngoài rất lớn của quốc gia này.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2020 nước này đã thu hút được tổng cộng 145 tỉ USD nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Tuy nhiên, trong cùng kỳ, Trung Quốc cũng đầu tư 132 tỉ USD ra nước ngoài, và khoảng cách giữa hai khoản trên không quá lớn. Trên thực tế, trong 20 năm qua, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đôi khi lớn hơn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Kết quả là GDP và GNP của nước này không chênh nhau bao nhiêu, gần như bằng nhau.
Các công ty đa quốc gia trải rộng khắp nơi trên thế giới và đầu tư vào nhau. Do đó, khoảng cách giữa GNP và GDP của các quốc gia lớn trên thế giới là tương đối nhỏ, và không có hiện tượng GNP của một quốc gia gấp vài lần GDP của quốc gia đó.
Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Mỹ năm 2019 là khoảng 21,43 nghìn tỉ USD, và GNP là khoảng 21,625 nghìn tỉ USD chỉ hơn 1% so với GDP; GNP của Nhật Bản năm 2019 là khoảng 5,264 nghìn tỉ USD, chỉ cao hơn 3,6% so với GDP 5,082 nghìn tỉ USD.
Trong thế kỷ 21, thời đại của nền kinh tế toàn cầu hóa và vốn toàn cầu hóa, khó có cường quốc nào đạt được đầu tư ra nước ngoài quy mô lớn mà hạn chế chấp nhận vốn nước ngoài. Dòng chảy của các yếu tố sản xuất như hàng hóa, công nghệ, thông tin, dịch vụ, tiền tệ, nhân sự, vốn và kinh nghiệm quản lý giữa các quốc gia và khu vực đang trở nên ngày càng sôi động và lưu lượng ngày càng lớn. Trong sự phát triển vũ bão của toàn cầu hóa ngày nay, có thể nói các nước lớn đều đã theo xu hướng "trong bạn có tôi, trong tôi có bạn".
Khoảng cách giữa GDP và GNP ở các nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Đức không quá lớn là vì vậy.
Chúng tôi sẽ phân tích sự cách biệt GDP và GNP ở những nền kinh tế nhỏ, độ mở lớn và lệ thuộc FDI trong những bài tiếp theo.
Thanh Hà (Tổng hợp)