|
Quân lính Anh tham gia tập trận mô phỏng phòng thủ Hành lang Suwalki ở Mikyciai, Lithuania, ngày 17/6/2017. |
Các quan chức NATO đang ngày càng lo lắng về khả năng Nga xâm lược các nước Baltic vì vào mùa thu này, Nga sẽ tiến hành tập trận Zapad ở biên giới Belarus và Ba Lan và cuộc tập trận có thể huy động tới 100.000 quân lính.
Nỗi lo lắng này đã được thể hiện rõ vào tuần trước khi quân đội Mỹ và Anh tiến hành cuộc tập trận quân sự đầu tiên của NATO có liên quan đến hoạt động mô phỏng phòng thủ Hành lang Suwalki, một khu vực ở miền bắc Ba Lan, giáp biên giới Lithuania, cửa ngõ vào khu vực Baltic.
Nói cách khác, cuộc tập trận này là nhằm chống lại cuộc tấn công giả định của Nga vào các nước Baltic, rộng hơn là toàn châu Âu.
Theo Reuters, các quan chức NATO mô tả khu vực này là “điểm trọng yếu”, nếu bị chiếm giữ có thể sẽ cô lập các nước Baltic khỏi các đồng minh NATO.
“Hành lang Suwalki rất dễ bị tổn thương vì vị trí địa lý của nó. Không phải là không thể tránh được một cuộc tấn công vào vị trí này, tuy nhiên nếu hành lang này bị chặn, ba nước phía bắc Âu sẽ dễ bị cô lập khỏi liên minh,” Trung úy Ben Hodges cho hay.
"Chúng ta phải luyện tập, chúng ta phải chứng minh rằng chúng ta có thể hỗ trợ các đồng minh trong việc duy trì hành lang này luôn mở và duy trì mối liên hệ đó", ông nói.
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, NATO đã chuyển bốn lữ đoàn với tổng số hơn 4.500 quân tới Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Tuần trước, máy bay chiến đấu của Mỹ và Anh tham gia tập trận cùng với quân đội từ Ba Lan, Lithuania và Croatia trong cuộc tập trận mô phỏng phòng thủ điểm nóng tiềm ẩn này ở khu vực chỉ cách nơi tiểu đoàn Mỹ đóng quân tại căn cứ Orzysz của Ba Lan vài giờ lái xe, Reuters cho hay.
Tất nhiên, Nga đã liên tục khẳng định rằng Mátxcơva không có ý định xâm chiếm các nước Baltic, và cảnh báo rằng sự "tăng cường phòng thủ" của quân đội NATO ở biên giới nước này là một hành động gây hấn với Nga.
Tuy nhiên, sự phản kháng của Nga cũng chẳng ảnh hưởng tới Thượng viện Mỹ, bằng chứng là Thượng viện đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong tuần này. Hành động này được cho là để trả đũa cho cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Các biện pháp trừng phạt này từng được đưa vào trong một dự luật trừng phạt Iran và dự kiến sẽ được thông qua. Tuy nhiên theo tin tức của The Hill, Tổng thống Donald Trump đang dựa vào các thành viên Đảng Cộng hòa ở Hạ viện để bãi bỏ dự luật vì ông sợ rằng nó có thể làm hỏng quan hệ Mỹ-Nga.
Ngoài ông Trump, Đức và Áo cũng lên tiếng phàn nàn về một biện pháp được đưa ra trong dự luật trừng phạt, và yêu cầu Mỹ ngừng phản đối đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Thủ tướng Áo Christian Kern và Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đầu tuần trước đã phát biểu rằng dường như sự phản đối đường ống dẫn khí đốt là nhằm đảm bảo cho ngành năng lượng của Mỹ và đẩy nguồn cung khí đốt của Nga ra khỏi châu Âu.
“Nguồn cung năng lượng của châu Âu là vấn đề của châu Âu, không phải của Mỹ", ông Kern và ông Gabriel cùng nhất trí tuyên bố.
Trong khi đó, NATO cho rằng cuộc tập trận chỉ mang tính biểu tượng hơn là một cuộc tập dượt phục vụ cho chiến tranh. Theo chuẩn Tướng Valdemaras Rupsys, người đứng đầu quân đội Lithuania giải thích rằng “đây chỉ là một cuộc tập trận quy mô nhỏ so với một cuộc tấn công thực sự".