Smart city có thể là thiên đường hoặc địa ngục

Không đủ năng lượng cung cấp cho hàng nghìn tỷ cảm ứng được lắp đặt khắp thế giới, việc sản xuất và sử dụng lượng pin khổng lồ có thể gây thảm họa môi trường và khủng hoảng năng lượng... là điều nhân loại phải đối mặt khi xây dựng các thành phố thông minh.
Hình minh họa
Hình minh họa
Cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện ý tưởng về thành phố thông minh - nơi sử dụng nhiên liệu tái tạo, không còn tắc đường, ít hỏa hoạn và dịch bệnh, rau quả được trồng tự động trên mái nhà và hàng tỷ người được cứu giúp... Sự phấn khích của cộng đồng dường như làm người ta ít nghĩ đến những khó khăn phải đối mặt.
Quá tải cảm ứng, thiếu hụt năng lượng
Các smart city được xây dựng dựa trên dữ liệu. Muốn có dữ liệu, cần có cảm ứng để “nghe, nhìn, ngửi, thẩm vị, cảm nhận”; giúp con người đo nhiệt độ, tình hình giao thông, chất lượng không khí, sự tích hợp của cơ sở hạ tầng...
Lux Research - một công ty mới nổi của Mỹ chuyên về tư vấn và nghiên cứu độc lập, cung cấp những lời khuyên có tính chiến lược cũng như thực hiện hoạt động thu thập thông tin tình báo về công nghệ - ước tính rằng tới năm 2020, chúng ta cần triển khai tới 1.000 tỷ cảm ứng trên toàn thế giới. Số cảm ứng này cần khoảng 1 triệu người lắp, hoạt động liên tục trong 3 năm.
Mô hình thành phố thông minh Songdo, Hàn Quốc. Ảnh: Đình Chính
Mô hình thành phố thông minh Songdo, Hàn Quốc. Ảnh: Đình Chính
Vấn đề nảy sinh là những cảm ứng này cần có pin để có thể hoạt động. Hiện nay, riêng nước Mỹ mỗi năm cần 3 tỷ cục pin. Hatem Zeine - người sáng lập và Giám đốc kỹ thuật của Ossia, một công ty cung cấp công nghệ sạc không dây của Mỹ - đặt vấn đề: “Chúng ta cho rằng có thể sản xuất đủ pin để cung cấp cho 1.000 tỷ cảm ứng trong vòng 3 năm tới? Tôi nghi ngờ điều đó. Ngay cả nếu chúng ta sản xuất được số pin đó, hậu quả về ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng có thể sẽ kéo lùi thành tựu mà con người đạt được. Hơn nữa, ai sẽ là người chịu trách nhiệm theo dõi và thay thế pin cho những cảm ứng trên?”.
Hatem Zeine cũng khẳng định, với mô hình sản xuất năng lượng hiện nay, chúng ta không đủ khả năng tạo ra đủ năng lượng cho 1.000 tỷ thiết bị.
Dữ liệu không phải phép màu cho mọi vấn đề
Một trong những đặc điểm điển hình của thành phố thông minh là xây dựng mọi thứ dựa trên dữ liệu với mong muốn tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên theo Zeine, việc thu thập dữ liệu không thể giải quyết hết mọi vấn đề chúng ta đang gặp phải như ùn tắc giao thông, nghèo đói, tội phạm... “Dữ liệu không phải là phương thức chữa bệnh nhiệm màu cho mọi vấn đề của chúng ta. Đó thật là sự lạc quan nguy hiểm” - ông này nói.
Với lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được từ các cảm ứng, chúng ta cần tới một nền tảng có thể tổng hợp chúng để từ đó đưa ra những quyết định hoặc đề xuất với tốc độ vượt quá khả năng xử lý của con người; hoặc chúng ta cần những người lãnh đạo có khả năng hiểu và xử lý dữ liệu một cách thông minh. Thông thường, các quan chức coi dữ liệu là món khai vị và mong muốn mọi người chỉ đón nhận những gì hợp với thế giới quan của họ.
“Điều này không hề tốt. Thành phố thông minh cần những nhà lãnh đạo có đủ can đảm bảo vệ nguồn dữ liệu của mình, thẳng thắn nói về ý nghĩa của những dữ liệu này, coi dữ liệu như một thực tế và từ đó đưa ra các quyết định” - vị giám đốc kỹ thuật của Ossia bày tỏ.
Ông cũng cho rằng, việc thu thập dữ liệu để xây smart city khiến nhân sinh quan của chúng ta ít nhiều thay đổi: “Việc thu thập lượng lớn thông tin khiến chúng ta đánh giá một thành phố dựa trên hệ dữ liệu chất lượng cuộc sống khác với hiện giờ... Khi đó, chúng ta đối diện với câu hỏi khó nhất là chúng ta trân trọng giá trị gì ở xã hội đó. Con người có thể tạo ra một utopia (một cộng đồng hoặc xã hội gần lý tưởng hoặc hoàn hảo trên mọi mặt) hoặc một dystopia (các xã hội phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ)”.
Tuy nhiên, ông này cũng tin rằng khi tìm câu trả lời cho câu hỏi “việc trở thành công dân của một thành phố thông minh có ý nghĩa gì”, chúng ta sẽ có thể vượt qua những khó khăn trên.
Theo báo cáo hồi đầu năm 2017 của Trung tâm Chiến lược và Toàn cầu hóa của Đại học IESE ở Barcelona, Tây Ban Nha, New York (Mỹ) đang đứng đầu danh sách các thành phố thông minh nhất trên thế giới, tiếp theo là London (Anh) và Paris (Pháp).
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/smart-city-co-the-la-thien-duong-hoac-dia-nguc/20170928110955875p1c160.htm