GÓC CHUYÊN MÔN:

SLNA & hành trình đi tìm lại chính mình

VietTimes -- Vì sao các đối thủ muốn đá vào lưới SLNA cũng khó, còn đội bóng xứ Nghệ cũng đang gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận khung thành các đội bóng V.League? Hãy cùng VietTimes phân tích chuyên môn đội bóng xứ Nghệ.
Tân HLV Quang Trường sẽ chọn ai làm người chầm trịch lối đá của đội bóng xứ Nghệ mùa này? Ảnh SLNA
Tân HLV Quang Trường sẽ chọn ai làm người chầm trịch lối đá của đội bóng xứ Nghệ mùa này? Ảnh SLNA

Lối đá không có nhạc trưởng, tập trung số đông phòng ngự, dùng nhiều đường chuyền dài ra biên đã xuyên suốt 2 đời HLV SLNA gần đây. Ý đồ cải thiện lối chơi của HLV Đức Thắng không thành, không hiểu khi lên ngồi ghế Giám đốc kỹ thuật CLB SLNA ông có tiếp tục theo đuổi hay không?

Lật cánh, đánh đầu

Nhưng nhìn chung 5 mùa V.League của 2 ông thầy Quang Trường và Đức Thắng, mảng miếng của đội chủ sân Vinh đều không rõ ràng, dễ bị hóa giải. Thỉnh thoảng, các cầu thủ SLNA mới có một trận đấu tổ chức được những đường bóng tấn công có trên 5 đường chuyền.

Tại V.League hiện nay, các đối thủ muốn tấn công, ghi bàn vào lưới đội chủ sân Vinh là điều không hề dễ. Nhưng SLNA cũng không áp đặt được đối thủ, dù chỉ là đội thuộc nhóm đèn đỏ của BXH V.League. Điều đó lý giải vì sao số bàn thắng của đội bóng xứ Nghệ không cao.

Nên dùng Tuấn Tài như thế nào? Ảnh VNF
Nên dùng Tuấn Tài như thế nào? Ảnh VNF

Mùa giải năm ngoái, các HLV thi đấu lại V.League đều khá tiếc khi Nghệ An sở hữu trong tay các tiền vệ trung tâm có “số má” như Khắc Ngọc, Văn Bình, Ngọc Toàn nhưng lại chọn lối đá dùng nhiều đường chuyền dài (cự ly khoảng 40m) và dùng nhiều các miếng tấn công biên như Thanh Hóa, Nam Định.

Nếu như Thanh Hóa, Nam Định phải thường xuyên dùng lối đá này bởi trong tay các nhà cầm quân 2 đội bóng này không có những cầu thủ cầm trịch khu vực giữa sân. Nhưng với SLNA thì khác, nó bắt đầu từ khâu huấn luyện và ý đồ chơi của BHL đội bóng. Thực ra, khá nhiều đội bóng cũng sử dụng lối đá này nhưng các quả tạt từ biên của tiền vệ SLNA không có độ chính xác cao.

Các ngoại binh SLNA lại không giỏi không chiến, ngoài ra Olaha thường xuyên lùi thấp xuống khu vực giữa sân, nên số lượng cầu thủ tấn công có mặt tại khu vực 16,5m của đội bóng xứ Nghệ thường ít hơn hàng phòng thủ đối phương.

Hiện tại, SLNA không có các tiền đạo giỏi trong việc xử lý trong phạm vi hẹp, nên khó khăn trong việc tổ chức tấn công trực diện. Nó cũng trả lời vì sao các đội bóng yếu không khó hóa giải các đường bóng tấn công của SLNA, nếu đội hình có trung vệ ngoại, không chiến tốt.

Điều này hoàn toàn khác với Hải Phòng, TP.HCM, Sài Gòn, B.Bình Dương, S.Khánh Hòa, những đội bóng vẫn dùng nhiều đường chuyền dài, nhưng tổ chức được nhiều đợt tấn công trực diện. Ngay cả S.Khánh Hòa, đội bóng vừa rớt hạng cũng dám cầm bóng tấn công trung lộ nhiều hơn SLNA vì hàng tiền vệ có những cầu thủ che chắn bóng tốt.

SLNA có nên thay đổi lối đá không? Ảnh Raudeuter13
SLNA có nên thay đổi lối đá không? Ảnh Raudeuter13

Lợi và hại của lối đá

Một điều mà các cổ động viên SLNA thường thắc mắc: Vì sao SLNA lại không gặp khó khăn khi gặp Quảng Nam, Viettel, thuộc nhóm các đội dùng các đường chuyền trung bình, ngắn và thích tấn công trực diện. Các tiền vệ trung tâm của SLNA đều có kỹ năng đánh chặn tốt, đeo bám dai và gần như có 3 tiền vệ trung tâm án ngữ trước bộ đội trung vệ Văn Khánh và D. Memovic.

Nếu không có tốc độ, đá 1 chạm thì việc vượt qua 2 lớp phòng ngự, gồm những cầu thủ đá lì lợm, không ngại va chạm của SLNA là điều không dễ chút nào. Đối phương chấp nhận chơi đôi công, nếu thể lực không tốt thì các cầu thủ SLNA lại có thể tận dụng thời cơ ghi bàn vào cuối trận.

Tại V.League 2019, có 3 đội Hà Nội, Than Quảng Ninh, HAGL và phần nào là SHB.Đà Nẵng thường dùng các đường chuyền trung bình và ngắn nhưng thích tấn công biên. Trước đây, khi Đỗ Merlo phong độ cao và thường xuyên ra sân thì SHB.Đà Nẵng thường tập trung bóng vào cái đầu của Đỗ Merlo, ai tạt chính xác hơn thì được ra sân. Nhưng trong lần trở lại làm HLV trưởng SHB.Đà Nẵng, HLV Lê Huỳnh Đức dùng nhiều được tấn công qua chân các tiền vệ Minh Tâm và Anh Tuấn nhiều hơn.

Nhiều mùa giải, trình độ và các dùng ngoại binh là câu chuyện đáng nói của SLNA. Ảnh SLFC
Nhiều mùa giải, trình độ và các dùng ngoại binh là câu chuyện đáng nói của SLNA. Ảnh SLFC

Trong khi đó Hà Nội, Than Quảng Ninh, HAGL là những đội có lối đá cầm bóng, triển khai tấn công bài bản, ngoại trừ HAGL thì Hà Nội, Than Quảng Ninh chính là những đối thủ khó chịu đối với SLNA. Các cầu thủ Hà Nội xử lý bóng bước 1 khá tốt, khiến cho các cầu thủ xứ Nghệ nhiều trận “xách xe không” chạy khắp sân.

Trong khi đó, lối đá kỹ thuật tốc độ của Than Quảng Ninh, HAGL chỉ phù hợp khi thi đấu sân nhà. Đến sân Vinh, khả năng thích nghi của họ thấp hơn Văn Quyết và các cầu thủ Hà Nội, nên không thể phát huy trên mặt sân xấu. Thậm chí HAGL còn bị “vỡ trận” thua 3-0 tại vòng 13 V.League dù trước đó SLNA đang có mạch 6 trận không thắng.

3 năm dưới thời HLV Đức Thắng, trong khuôn khổ V.Legue đội bóng xứ Nghệ thắng 28 trận (tỷ lệ 36%), hòa 27 trận (tỷ lệ 35%) và thua 23 trận (tỷ lệ 29%). So với người tiền nhiệm, thời HLV Quang Trường sau 2 mùa cầm quân SLNA thắng 19 trận (tỷ lệ 36,5%), hòa 14 trận (tỷ lệ 27%) và thua 19 trận (tỷ lệ 36,5%) thì tỷ lệ các trận hòa tăng, tỷ lệ các trận thua cũng giảm. SLNA đã có một sự thay đổi về mặt thành tích, nhưng không đáng kể và không làm hài lòng người hâm mộ xứ Nghệ.

Hiện nay, trong tay tân HLV Quang Trường đang có tới 11 tiền vệ, không hiểu ông sẽ chọn ai làm người cầm trịch lối đá của đội bóng xứ Nghệ mùa này? Dùng người mới hay làm mới những người cũ như Quang Tình, Quốc Trung, Sỹ Sâm? Nếu không có sự cách tân trong tư duy chiến thuật, e rằng còn lâu SLNA mới tìm lại chính mình.