Chốt phiên giao dịch Thứ Tư (ngày 09/03), giá vàng giao tháng Tư trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile giảm tiếp $5,50 (-0,4%) xuống đóng cửa ở $1.257,40/oz; trước đó, kim loại quý này cũng đã rơi giá 0,6% trong hai phiên liền trước.
Tương tự, giá bạc giao tháng Năm cũng trượt 2,4 cents (-0,2%) xuống chốt ở $15,366/oz. Trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 8h53’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.250,15/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco cũng được yết ở $1.250,10/oz.
“Biểu đồ của vàng nhìn vẫn khá lạc quan, nhưng cũng là quá độ để thị trường có thể tăng thêm nữa”, ông Michael Armbruster, Giám đốc kiêm nhà sáng lập Công ty Altavest đưa ra quan điểm.
Tuần vừa rồi, vàng đã chốt tuần cao nhất trong 13 tháng. Và tính chung cả tháng 2/2016, vàng cũng đã leo giá đến 10%. Tuy nhiên, sực phục hồi của thị trường chứng khoán và giá dầu thô trong phiên thứ Tư đã thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư, khiến họ quay lưng với vàng.
Giới phân tích và các nhà đầu tư đang ngóng chờ các biện pháp tăng cường kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong thứ Năm, bao gồm giảm lãi suất tiền gửi thêm ít nhất 10 điểm cơ bản và mở rộng chương trình mua tài sản. Đây được xem là những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.
Trước đó, phiên họp ECB trong tháng 12 khiến đồng USD và euro biến động mạnh, tạo đà cho giá vàng tăng gấp nếp.
Trữ lượng vàng trong SPDR Gold Trust - quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới - giảm 0,6%.
Diễn biến giá vàng SJC 7 ngày qua.
Bám sát diễn biến tại thị trường thế giới, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Năm ngày 10/03), giá vàng SJC trong nước cũng đuối dần.
Cụ thể, đến thời điểm 9h16’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 33,58 - 33,83 triệu đồng/lượng (MV-BR), giảm 100 nghìn đồng so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại Doji, giá vàng miếng SJC lại được Tập đoàn điều chỉnh giảm 120 đồng cả chiều mua và bán về niêm yết ở 33,67 – 33,77 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua-bán ở Doji vẫn là 100 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 33,68 – 33,76 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 33,47 – 33,92 triệu đồng/lượng (MV-BR).
Như vậy, đến hôm nay, giá bán ra của nhẫn tròn trơn vẫn đang đắt hơn vàng miếng SJC tới vài trăm nghìn đồng, trong khi, chỉ ít tuần trước, nó luôn thấp hơn tới cả triệu đồng. Điều này cho thấy sự đảo cầu giữa hai dòng sản phẩm.
Còn chênh lệch nội – ngoại, tính ra giá vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới khoảng 90 nghìn đồng đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
X.T