Singapore lên kế hoạch di dời cơ sở hạ tầng xuống dưới lòng đất

VietTimes – Theo Nikkei Asia, Singapore vừa tiết lộ kế hoạch di dời cơ sở hạ tầng xuống dưới lòng khu tổ hợp Marina Bay Sands và một số tòa cao ốc khác. Động thái này là nỗ lực của chính phủ để tối đa hóa không gian sống cho quốc đảo Sư Tử.
Ảnh minh họa: Nikkei Asia
Ảnh minh họa: Nikkei Asia

Ngày 27/3, Cơ quan Tái phát triển đô thị Singapore đã công bố kế hoạch tổng thể, bao gồm dự án di dời cơ sở hạ tầng xuống dưới lòng đất để đáp ứng tình trạng gia tăng dân số. Kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp Singapore vượt qua hạn chế về địa lý.

Cơ quan Tái phát triển đô thị cho biết dự kiến sẽ thực hiện kế hoạch trong vòng 10 đến 15 năm tới. Theo báo cáo, chính phủ Singapore dự định “giảm mật độ dân số thông qua việc di dời cơ sở hạ tầng tiện ích, giao thông, khu lưu trữ và công nghiệp xuống dưới lòng đất”.

Dự kiến, Marina Bay sẽ là một trong 3 quận nằm trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dưới lòng đất của chính phủ. Công nghệ mô phỏng 3D sẽ được sử dụng để giúp đem đến hiệu quả tối đa trong khai thác không gian” và nếu thành công sẽ được ứng dụng rộng rãi trong tương lai.

Marina Bay được biết đến như trung tâm kinh doanh, tài chính của Singapore, nơi tràn ngập các tòa nhà chọc trời và khu nghỉ dưỡng.

Singapore mới chỉ xây dựng một số cơ sở hạ tầng dưới lòng đất như tàu điện ngầm, đường cao tốc, bãi đỗ xe và đường đi bộ. Cơ quan Tái phát triển đô thị Singapore đã cập nhật dự án cơ sở hạ tầng ngầm trên bản kế hoạch tổng thể công bố vào năm 2014.

“Chúng tôi đang nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng không gian ngầm để khai thác các tiện ích, lưu trữ và các ứng dụng công nghiệp tại khu vực như Tanjong Kling”, phát ngôn viên của chính phủ Singapore cho biết. “Chúng tôi cũng đang phát triển một công cụ lập kế hoạch để xác định các khu vực có tiềm năng dựa trên đặc tính địa chất”.

Theo Nikkei Asia, Singapore đã triển khai nhiều dự ản cải tạo đất từ năm 1959, mở rộng diện tích từ 581,5km2 lên 724,2km2, để tạo ra nhiều không gian sống hơn. Tuy nhiên, phương án này tỏ ra thiếu tính thực tiễn do tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng.

Chính phủ Singapore dự báo tới năm 2030, dân số sẽ tăng lên 6,9 triệu người. Thống kê cũng cho thấy dân số tại Singapore đã đạt mức 5,64 triệu người vào năm 2018, tăng từ 3,04 triệu người vào năm 1990.

Marina Bay là một trong những khu kinh tế, tài chính sầm uất nhất nằm ở trung tâm Singapore. Ảnh: SS
Marina Bay là một trong những khu kinh tế, tài chính sầm uất nhất nằm ở trung tâm Singapore. Ảnh: SS

Phát biểu trên Nikkei Asia, Giáo sư địa lý và quy học đô thị Ian Rowen (Đại học Công nghệ Nanyang) nhận định rằng nỗ lực cải tạo đất của Singapore đã gặp phải nhiều khó khăn; bao gồm: độ sâu của biển, ảnh hưởng tới môi trường sống làm tăng chi phí xây dựng do khả năng khai thác với các loại vật liệu xây dựng như cát bị hạn chế.

Singapore là quốc gia nhập khẩu cát lớn nhất thế giới. Theo ước tính, Singapore chi 740 triệu USD để nhập hơn 80 triệu tấn cát từ Campuchia trong giai đoạn 2007-2016. Tuy nhiên, tới năm 2016, chính phủ Campuchia đã cấm xuất khẩu cát do quá trình khai thác gây ảnh hưởng đến môi trường trên diện rộng.

Di rời cơ sở hạ tầng xuống lòng đất là một giải pháp sáng tạo của chính phủ Singapore nhưng rất khó để thực hiện. Giáo sư Kỹ thuật Xây dựng Yong Kwet Yew (Đại học Quốc gia Singapore) đã chỉ ra nhiều thách thức và rủi ro kỹ thuật của dự án. Ví dụ, “đặc tính không chắc chắn của địa chất, điều kiện mặt đất và kế hoạch sơ tán người dần khi xảy ra hỏa hoạn dưới lòng đất”.

Bên cạnh đó, Giáo sư Yew cũng cảnh báo một nguy cơ khác là “thiệt hại tiềm tàng đối với các tòa nhà trên mặt đất”.

Theo Nikkei Asia