Ra mắt Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Siêu ủy ban đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 DN với số vốn trên 1 triệu tỷ đồng

VietTimes -- Sau gần 8 tháng thành lập, cuối cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt chiều nay, 30/9 với nhiệm vụ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 doanh nghiệp Nhà nước với số vốn chủ sở hữu là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Ra mắt  Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại buổi lễ ra mắt, Ủy ban đã ký Biên bản hợp tác về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp với 5 Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông và Tài chính.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban đã làm việc và ký biên bản hợp tác với Temasek Holdings của Singapore để trao đổi thông tin nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý vốn hiện tại, theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đặt vấn đề hợp tác với Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của Trung Quốc (SASAC) để chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai các nhiệm vụ của Ủy ban theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý vốn tại doanh nghiệp.

Theo Nghị định mới ban hành, ủy ban này có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giao nhiệm vụ cho Ủy ban.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giao nhiệm vụ cho Ủy ban. 

 Với các doanh nghiệp do Siêu Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, cơ quan này có quyền quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập. Siêu Ủy ban cũng có quyền thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Phát biểu giao nhiệm vụ cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, việc xây dựng Siêu Ủy ban quản lý gần 1 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trở thành một cơ quan đi đầu về năng lực quản lý. Những tổng công ty, tập đoàn chuyển về Siêu ủy ban đều là những đơn vị trọng yếu, chủ chốt của nền kinh tế. Không chỉ bởi quy mô vốn lớn, số lượng tài sản cao, mà những doanh nghiệp này còn nắm một vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế.

19 doanh nghiệp được chuyển giao về Siêu Ủy ban bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng 18 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài.

Trong số này có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

11 tổng công ty còn lại gồm Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.