SeABank lại trống ghế Tổng Giám đốc

VietTimes – Trong một diễn biến đầy bất ngờ, ông Nguyễn Cảnh Vinh đã chính thức thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) từ ngày 08/02/2018.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh rời ghế CEO SeABank, chỉ sau chưa đầy 5 tháng. (Ảnh: SeABank)
Ông Nguyễn Cảnh Vinh rời ghế CEO SeABank, chỉ sau chưa đầy 5 tháng. (Ảnh: SeABank)

Thông tin được SeABank xác nhận trong công văn số 156/2018/CV-HĐQT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng ngày.

Cũng theo công văn, sau sự thôi nhiệm của ông Vinh, kể từ ngày 08/02/2018, ông Lê Văn Tần – Phó Tổng Giám đốc sẽ phụ trách điều hành hoạt động của SeABank.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Cảnh Vinh mới chỉ bắt đầu tiếp nhận vị trí Tổng Giám đốc SeABank kể từ ngày 25/09/2017.

Người tạm quyền thay thế vị trí đứng đầu ban điều hành mà ông Vinh để lại - Phó Tổng Giám đốc SeABank Lê Văn Tần, nên biết, cũng là người đã từng nhận trọng trách này, sau khi ông Đặng Bảo Khánh thôi nhiệm vị trí Tổng Giám đốc SeABank ngày 5/7/2018. Ông Tần đã tạm quyền trong ít tháng cho đến ngày SeABank tìm được CEO mới, chính là ông Nguyễn Cảnh Vinh. Nên hẳn nhiên, với kinh nghiệm đã có, hoạt động của SeABank sẽ không đến nỗi xáo trộn trước sự từ nhiệm vừa rồi của ông Vinh.

Mối quan tâm bây giờ là khi nào SeABank sẽ có Tổng Giám đốc mới, và ai sẽ là người được lựa chọn. Nhắc lại rằng, SeABank đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh doanh và cơ cấu tổ chức với khát vọng trở thành ngân hàng bán lẻ dẫn đầu và được yêu thích nhất.

Cựu CEO SeABank Nguyễn Cảnh Vinh sinh năm 1974, tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây Dựng và thạc sỹ tại Đại học Latrobe (Australia).

Ông Vinh có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và trải qua nhiều vị trí quản lý cao cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ.

Trước khi về SeABank, ông Cảnh Vinh gắn bó với Techcombank trong 6 năm, từng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở Techcombank, Giám đốc Kinh doanh Vùng, và sau đó là Phó Tổng giám đốc Techcombank được 3 tháng./.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) chính thức đi vào hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đã buộc nhiều sếp ngân hàng phải đứng trước sự lựa chọn, khi bổ sung thêm quy định, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Thành viên HĐQT, Thành viên HĐQT, Thành viên Ban Tổng Giám đốc của TCTD không được đồng thời giữ các chức vụ tương tự tại các doanh nghiệp khác.
Bà Nguyễn Thị Nga (SN 1955), Chủ tịch HĐQT SeABank cũng buộc phải đưa ra quyết định: giữ ghế ngân hàng và từ nhiệm khỏi tất cả các chức vụ tại doanh nghiệp bên ngoài; Hay ngược lại.
Bên cạnh vai trò Chủ tịch SeABank, bà Nga vẫn được biết tới trên cương vị lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch/Tổng Giám đốc) tại nhiều doanh nghiệp lớn khác, tiêu biểu như tại CTCP Intimex Việt Nam, hay CTCP Tập đoàn BRG.
Theo tìm hiểu của VietTimes, để đảm bảo điều kiện tiếp tục nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT SeABank, bà Nga đã từ nhiệm tất các chức vụ tại doanh nghiệp ngoài.
Như tại CTCP Intimex Việt Nam, bà Nga đã không còn là Chủ tịch HĐQT công ty kể từ ngày 27/6/2017, sau khi nhượng lại vị trí cho bà Trần Ngọc Minh. Thời điểm đó, bà Nga vẫn là Ủy viên HĐQT công ty, song với quy định bổ sung tại Luật các TCTD, bà Nga cũng phải từ nhiệm cả vị trí này. Việc từ nhiệm cần phải có sự phê chuẩn tại ĐHĐCĐ công ty.
Hay như tại CTCP Tập đoàn BRG – doanh nghiệp “lõi” trong hệ sinh thái của kinh doanh của gia đình – bà Nguyễn Thị Nga cũng đã từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT tập đoàn từ ngày 24/11/2017.