Sẽ thanh tra toàn quốc về quản lý thuê bao trả trước trong quý 3/2017

VietTimes -- Trong quý 3/2017, Thanh tra Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các sở thông tin và truyền thông tiến hành thanh tra diện rộng trên toàn quốc về công tác quản lý thuê bao di động trả trước theo quy định. Đây là một trong nhiều biện pháp “mạnh” của Bộ TT&TT nhằm siết chặt SIM rác và tin nhắn rác đang có chiều hướng tăng trở lại.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đây là thông tin được công bố trong văn bản trả lời của Bộ TT&TT trước kiến nghị của Sở TT&TT Tây Ninh về kế hoạch triển khai thanh tra, kiểm tra diện rộng về công tác quản lý thuê bao di động trả trước.

Theo đó, Bộ TT&TT cho biết, do Nghị định số 49/2017/NĐ-CP mới có hiệu lực và đang trong thời gian chuyển tiếp (3 tháng chuẩn bị tính từ thời điểm Nghị định có hiệu lực khoản 1 Điều 4) nên hiện nay Thanh tra Bộ đang tiến hành công tác chuẩn bị về hồ sơ, tài liệu và dự kiến cuối quý 3/2017 sẽ tiến hành chỉ đạo thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước trên toàn quốc.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều hoạt động trong quản lý thuê bao trả trước, đặc biệt là có nhiều biện pháp “mạnh” và quyết liệt nhằm siết chặt SIM rác và tin nhắn rác. Kết quả, tính đến tháng 4/2017, đã có hơn 20 triệu SIM rác bị thu hồi.

Theo số liệu thống kê Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6/2017, tổng số thuê bao điện thoại tại Việt Nam ước tính đạt 126,5 triệu thuê bao, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thuê bao di động đạt 119,4 triệu thuê bao, giảm 6,2%.
Còn theo báo cáo của các nhà mạng tại tội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 5/6, cho biết, trong tháng 5, tập đoàn VNPT đã chặn khoảng 340.000 tin nhắn rác, trung bình mỗi ngày chặn 12.500 tin. VNPT cũng đã chặn 6.500 thuê bao, tương đương 240 thuê bao/ngày với tỷ lệ chặn đạt được 90%.
Trong khi đó, MobiFone đã xử lý các thuê bao phát tán tin nhắn rác, thu hồi hơn 4.237.000  triệu thuê bao, khóa 825.000 tài khoản thuê bao, chặn hơn 11 triệu tin nhắn rác, giảm 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết việc ngăn chặn tin nhắn rác phải làm kiên quyết và liên tục, nếu không thì chỉ chặn được một thời gian ngắn tin rác sẽ quay trở lại.

“Đối với việc ngăn chặn tin nhắn rác, chúng ta phải làm kiên quyết và liên tục như việc đánh răng hàng ngày. Nếu không thì chỉ chặn được một thời gian ngắn tin nhắn rác sẽ quay trở lại. Mấy ngày hôm nay tin rác đã bắt đầu quay trở lại, tin rao bán bất động sản không thấy xuất hiện nữa nhưng tin rao bán SIM số đẹp đã tái xuất hiện”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động phải thực hiện triển khai các biện pháp ráo riết để ngăn chặn tin nhắn rác đúng với cam kết đã ký với Bộ TT&TT. Bộ trưởng cũng giao trách nhiệm cho Cục Viễn thông phải tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện ngăn chặn tin nhắn rác, SIM rác của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh về vai trò chịu trách nhiệm của người đứng đầu nhà mạng và nếu vẫn để xảy ra tình trạng SIM rác, tin nhắn rác diễn ra, người đứng đầu nhà mạng phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh “chiến dịch” thu hồi SIM rác trên, các quy định trong Nghị định 49 (nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện), cũng khiến việc phát triển thuê bao di động khó khăn và thực chất hơn.

Theo quy định của nghị định này, các hành vi bán SIM thuê bao di động sẽ bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng nếu bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Trong khi đó, nhà mạng sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng nếu cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin không đúng.