Sách giả, sách lậu tồn tại dai dẳng trong ngành sách. Lợi dụng sự lan tỏa, kết nối của mạng Internet, các “sách tặc” phân phối tác phẩm vi phạm bản quyền.
Thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm qua mạng nhiều. Lợi dụng tình thế ấy, nhiều cá nhân, đơn vị đã đưa sách giả, sách lậu lên mạng, khiến tình trạng sách vi phạm trên môi trường số “nảy nở như nấm sau mưa”.
Hành động tự vệ chính đáng
Trước tình thế ấy, mỗi đơn vị làm sách chân chính có những hành động khác nhau. Bước đầu tiên, các đơn vị này đều đặt mua, xác định rõ ấn bản bán trên mạng là sách thật hay sách giả.
NXB Kim Đồng đã đặt mua các ấn bản nghi là hàng giả, hàng lậu trên mạng, và phải thốt lên: “Như này mà là sách ư?”. Công ty Đông A cũng lấy làm lạ khi bộ sách của tác giả Mario Puzo mà mình nắm bản quyền tiếng Việt được rao bán trên mạng với nội dung quảng cáo “sale kịch sàn”. Đặt mua về, họ chỉ cần nhìn qua là biết sách lậu.
Cả hai đơn vị này đều thông báo về tình trạng sách giả, sách lậu để bạn đọc biết. Đại diện Đông A nói họ chưa tìm được biện pháp hiệu quả để xử lý vấn đề này, ngoài việc thông báo tới độc giả.
Công ty sách Nhã Nam lại thực hiện các clip, bộ ảnh, bài viết trực quan đăng trên fanpage và website của mình, giúp bạn đọc phân biệt sách thật, sách giả. Đây là hành động hướng tới độc giả của mình, giúp bạn đọc tìm mua được sách thật.
NXB Kim Đồng, ngoài thông báo tới người tiêu dùng, còn viết thư kêu cứu, gửi đơn tới cơ quan chức năng chờ xử lý.
Các biện pháp trên được xem là những hành động tự vệ đơn lẻ của nhà xuất bản, công ty sách, khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Tuy vậy, để cuộc chiến chống sách lậu hiệu quả, cần có sự đoàn kết, chung tay của nhiều đơn vị.
Liên kết chống sách lậu
Làng sách đã bắt đầu có những hợp tác trong phòng, chống sách lậu. Đầu tháng 7, đại diện công ty sách First News Trí Việt và sàn thương mại điện tử Tiki đã hợp tác, bàn cách ngăn ngừa sách lậu, sách giả.
Bà Đặng Như Thảo - Giám đốc vận hành nền tảng thương mại điện tử tại đơn vị trên - cho biết họ đã và đang tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu trên sàn của mình.
Việc rà soát đầu sách vào sàn bằng cách yêu cầu các nhà bán hàng cung cấp chứng từ hợp lệ trước khi được mở gian hàng trên chợ điện tử này, gồm: Hợp đồng phân phối (thường các đơn vị uy tín, được NXB công nhận mới được cấp chứng từ này) hoặc giấy bảo lãnh, bản kê mua bán.
Trong trường hợp phát hiện sách giả, sách lậu, sàn thương mại điện tử sẽ lập tức tắt sản phẩm này, tắt gian hàng của nhà bán vĩnh viễn, và yêu cầu nhà bán bồi thường thiệt hại tương ứng; đồng thời thực hiện đền bù cho khách hàng 111% giá trị sản phẩm, thu hồi sản phẩm và tiêu hủy ngay lập tức.
“Chúng tôi cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra và rà soát sản phẩm trên sàn trong quá trình kinh doanh, theo dõi phản hồi của khách hàng để mau chóng loại bỏ sản phẩm hoặc nhà bán vi phạm cam kết”, bà Như Thảo nói.
Trước đó, đại diện hai công ty sách là Alpha Books và First News cũng hợp tác trong việc tố cáo các đơn vị bán sách lậu trên Facebook.
Hai đơn vị này đã kiên trì tìm hiểu, thâm nhập đặt sách nhiều lần ở các fanpage và nhận được toàn sách giả, kém chất lượng, sai sót. Họ lập danh sách và công bố hơn 30 fanpage bán sách giả, sách lậu trên Facebook.
“Không thể im lặng chịu đựng, đợi chờ thêm một phút nào nữa, chúng ta hãy hợp lực cùng nhau đoàn kết lên tiếng tố cáo chúng”, bức thư công bố các fanpage bán sách lậu do Alpha Books và First News lập có đoạn viết.
Để cuộc chiến chống lại vấn nạn sách giả, sách lậu thực sự lan rộng, có tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội, cần có sự chung tay của các cá nhân, đơn vị hoạt động trong ngành sách.
Đại diện Tiki cũng kêu gọi cộng đồng nói không với sách giả, sách lậu: “Chúng tôi mong muốn có được sự đồng hành và chung tay của các đối tác uy tín, có tiếng nói trong ngành, như các NXB, đơn vị phát hành sách, các tác giả - nạn nhân của vấn nạn này, thậm chí là toàn thể độc giả chân chính. Có như vậy, sách giả, sách lậu mới không còn cơ hội đến tay bạn đọc dù là thông qua kênh online hay offline”.