Sẽ kết hợp số hóa bằng truyền hình vệ tinh với vùng miền núi

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã cơ bản nhất trí với các đề xuất của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam về việc kết hợp số hóa bằng truyền hình qua vệ tinh đối với địa bàn miền núi một số tỉnh thuộc nhóm II.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn giao Cục Tần số vô tuyến điện và VTV chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xác định các địa bàn thực hiện số hóa truyền hình tương tự mặt đất bằng truyền hình vệ tinh. (Ảnh minh họa)
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn giao Cục Tần số vô tuyến điện và VTV chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xác định các địa bàn thực hiện số hóa truyền hình tương tự mặt đất bằng truyền hình vệ tinh. (Ảnh minh họa)

Khó phủ sóng truyền hình số mặt đất cho vùng đồi núi

Tại phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam diễn ra ngày 1/4/2016, một trong những nội dung đã được các thành viên Ban chỉ đạo xem xét là công tác chuẩn bị để triển khai số hóa truyền hình cho giai đoạn 2 của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/12/2011 tại Quyết định 2451/QĐ-TTg.

Theo kế hoạch của Đề án, trước ngày 31/12/2016, các đài truyền hình trung ương và địa phương kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm II.

Đồng thời, các đài truyền hình trung ương phải có giải pháp phù hợp để tiếp tục phủ sóng những kênh chương trình truyền hình tương tự, phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu tại các tỉnh lân cận với các tỉnh thuộc nhóm II bị ảnh hưởng bởi việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại các tỉnh này.

Các tỉnh thuộc nhóm II gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Phó trưởng Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết, hiện nay vẫn còn khá nhiều địa bàn thuộc các tỉnh nhóm II chưa được phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 là: Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận. Do vậy, người dân tại các khu vực này chưa thể chuyển đổi từ thu xem truyền hình tương tự mặt đất sang thu xem truyền hình số mặt đất.

“Để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình số hóa và thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng cần đẩy nhanh tiến độ phủ sóng số DVB-T2 ít nhất 6 tháng trước khi ngừng phủ sóng chính thức tại các địa phương này”, ông Hoan nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Hoan, trong số các địa phương nhóm II, nhiều tỉnh có địa bàn đồi núi gồm Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh  Thuân, Bình Thuận. “Việc phủ sóng số mặt đất cho các địa bàn này sẽ rất khó khăn và hiệu quả thấp”, Phó Trưởng Tiểu ban giúp việc nhấn mạnh.

Trước đó, tại Phiên họp lần thứ 3, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã đồng ý nguyên tắc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH) để đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng đối với các địa bàn thuộc  miền núi và hải đảo.

Tiểu ban giúp việc cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, khi số hóa truyền hình được triển khai với các tỉnh có nhiều địa bàn trung du, đồi núi, hải đảo, việc thực hiện số  hóa bằng cách kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh cần được xem xét để có thể giải pháp đảm bảo tiến độ và hiệu quả của quá trình số hóa truyền hình.

Ông Hoan cho biết thêm, tại nhiều khu vực, việc đầu tư và duy trì hệ thống phát lại truyền hình tương tự mặt đất cho vùng sâu, vùng xa không hiệu quả. Do đó, một số địa phương đã có sự điều chỉnh theo hướng không duy trì các trạm phát lại truyền hình không hiệu quả. Ví dụ như vừa qua UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định chấm dứt 12 trạm phát lại đang hoạt động kém hiệu quả tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh này.

Trong khi đó, hiệu nay, hầu hết các tỉnh đã phát sóng quảng bá kênh truyền hình địa phương qua vệ tinh VINASAT. Năm 2015, Sở TT&TT Hà Giang đã có công văn đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ việc thu xem truyền hình qua vệ tinh.

Mặt khác, theo thông tin tham khảo số liệu về tỷ lệ thu xem truyền hình qua các phương thức khác nhau của Công ty TNS Media, hiện tại tỷ lệ thu xem truyền hình tương tự mặt đất chỉ còn khoảng 20%, giảm khá lớn so với cá năm trước đây; tỷ lệ thu xem truyền hình qua vệ tinh DTH và phương thức khác đã tăng đáng kể, khoảng 36%. Số liệu này cho thấy, các hộ gia đình đã chuyển sang sử dụng truyền hình qua vệ tinh là lớn.

Sẽ số hóa truyền hình bằng truyền hình qua vệ tinh VINASAT

Trên cơ sở phân tích về địa bàn, hiện trạng phủ sóng truyền hình tại các tỉnh thuộc nhóm II, tại phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo Đề án, Tiểu ban giúp việc đã đề xuất các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất khẩn trương triển khai phủ sóng số, đảm bảo diện phủ sóng truyền hình số bao trùm vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất của các Đài phát sóng chính tại các địa phương thuộc nhóm II ít nhất trước 6 tháng so với thời điểm ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các địa phương này; đồng thời thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất tại các vùng đồng bằng và ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất ở các tỉnh nhóm II theo kế hoạch.

Với các địa bàn vùng núi, vùng lõm có các trạm phát lại ATV, Tiểu ban giúp việc đề xuất tiếp tục duy trì hệ thống phát lại truyền hình tương tự và sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình qua vệ tinh, thưc hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất cùng với các địa phương thuộc nhóm III.

Tiểu ban giúp việc cũng đề nghị Ban chỉ đạo xem xét việc chuyển một số tỉnh có điều kiện địa hình phức tạp như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Phú Thọ sang giai đoạn 3 của Đề án để có điều kiện triển khai các mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình và hỗ trợ STB tốt hơn.

Đồng thời, Tiểu ban giúp việc cho rằng cần nghiên cứu, xác định vùng số hóa mặt đất và vùng chuyển từ tương tự mặt đất sang truyền hình qua vệ tinh.

Phát biểu kết luận phiên họp lần 10 của Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã cơ bản nhất trí với các đề xuất của Tiểu ban giúp việc về nội dung liên quan đến việc kết hợp số hóa bằng truyền hình qua vệ tinh đối với địa bàn miền núi một số tỉnh thuộc nhóm II. Thứ trưởng giao Cục Tần số vô tuyến điện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, lấy ý kiến các địa phương liên quan đề xuất việc điều chuyển một số tỉnh thuộc nhóm II sang nhóm II.

Cục Tần số vô tuyến điện và Đài Truyền hình Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Cục PTTH&TTĐT, Công ty CP truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB), Công ty TNHH truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nghiên cứu, xác định các địa bàn thực hiện số hóa truyền hình tương tự mặt đất bằng truyền hình vệ tinh.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Tần số vô tuyến điện dự thảo văn bản để Bộ TT&TT gửi các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo về tình hình hoạt động và hiệu quả của các trạm phát lại truyền hình tương tự và đề xuất vùng số hóa bằng truyền hình mặt đất và vệ tinh trên địa bàn. Trên cơ sở nghiên cứu của các đơn vị có liên quan và đề xuất của các địa phương, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam về các địa bàn thực hiện số hóa bằng truyền hình vệ tinh.

Bên cạnh đó, để có cơ sở thực hiện số hóa truyền hình tương tự mặt đất bằng truyền hình vệ tinh DTH. Thứ trưởng giao Viện Chiến lược TT&TT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ICT News