Sẽ có truyện tranh hướng dẫn trẻ em Việt các kỹ năng an toàn trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một ấn phẩm dạng truyện tranh hướng dẫn các kỹ năng số cơ bản để các bạn trẻ Việt Nam, nhất là những học sinh tiểu học, trung học tự bảo vệ mình trước nguy cơ trên mạng dự kiến sẽ được Cục An toàn thông tin cho ra mắt.

Thông tin trên được đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết trong buổi ra mắt “Cẩm nang Chuyển đổi số” mới đây, khi được hỏi về phiên bản cẩm nang được thể hiện sao cho ngay cả trẻ em cũng có thể hiểu.

Nâng nhận thức an toàn thông tin cho học sinh theo cách “học mà chơi”


Ý tưởng về việc thực hiện ấn phẩm trang bị các kỹ năng số cơ bản cho trẻ em dưới hình thức truyện tranh, theo đại diện Cục Tin học hóa, được học tập từ kinh nghiệm của Nhật Bản, với mong muốn ấn phẩm sẽ tiếp cận đến các em học sinh một cách dễ dàng hơn và cũng dễ hiểu hơn.

Nhấn mạnh việc trang bị kỹ năng số cho các bạn trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh là vô cùng cần thiết, song đại diện Cục Tin học hóa cũng chia sẻ: Vấn đề chúng tôi trăn trở là làm sao để truyền tải kiến thức, kỹ năng nhưng không làm dày thêm sách giáo khoa, nặng thêm cặp đi học của học sinh và quan trọng nhất là để các em học mà như đang chơi. “Chúng tôi và các đồng nghiệp ở Cục An toàn thông tin sẽ bàn cách để triển khai”, đại diện Cục Tin học hóa nói.

Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) thông tin thêm, hiện Cục cũng đang phối hợp với Bộ GD&ĐT và một hãng công nghệ xây dựng chương trình nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên.

Đến nay, nội dung chương trình này đã cơ bản được xây dựng xong, đang xin ý kiến đóng góp. Kỳ vọng chương trình nâng cao nhận thức về an toàn thông tin sẽ thiết thực với các em học sinh, sinh viên, các đơn vị soạn thảo dự kiến trang bị các kỹ năng cho học sinh tiểu học qua các video clip ngắn, đơn giản; cũng như tổ chức các cuộc thi cho học sinh trung học.

Đề xuất 5 nhóm giải pháp để bảo vệ trẻ em trên mạng


Được biết, hiện dự thảo Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020 - 2025 đã được Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong dự thảo Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020 - 2025, Bộ TT&TT xác định trang bị
Trong dự thảo Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020 - 2025, Bộ TT&TT xác định trang bị "bộ kỹ năng số" là một giải pháp quan trọng (Ảnh minh họa)

Theo dự thảo, một mục tiêu Đề án hướng tới là trang bị “bộ kỹ năng số” cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm kiến thức, kỹ năng cơ bản về: Sử dụng mạng bổ ích, an toàn; Tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên mạng; Cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên mạng.

Đề án cũng nhằm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; Hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tại dự thảo Đề án, Bộ TT&TT đã đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có các nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng.

Cụ thể như, tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức ở quy mô quốc gia; đổi mới cách thức, nội dung truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ, thông qua ứng dụng CNTT-TT, qua mạng Internet và mạng xã hội trực tuyến để nâng cao hiệu quả truyền thông.

Đưa vào màn hình hiển thị trên truyền hình số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 tiếp nhận thông tin báo cáo xâm hại và địa chỉ liên hệ của các trung tâm, tổ chức tư vấn, cứu trợ khẩn cấp.

Đặc biệt, Bộ TT&TT cũng đề xuất, lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; hướng tới trang bị “bộ kỹ năng số” cơ bản cho trẻ em theo độ tuổi; đẩy mạnh cách hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em qua tư vấn học đường.

Đồng thời, phát triển các chương trình giáo dục dành cho những trẻ em không đến trường học, phát triển hình thức giáo dục cho đối tượng này thông qua hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ dân phố, trung tâm tư vấn; Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, ứng dụng CNTT-TT hỗ trợ học tập trên môi trường mạng để trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả và an toàn... 

Theo ICTNews