Sẽ áp dụng kiểm tra rủi ro với sản phẩm nhập khẩu như iPhone 7, iPhone 8

VietTimes -- Cho rằng việc kiểm tra các sản phẩm công nghệ cao từ các nước G7, như iPhone 7, iPhone 8 là không hợp lý, khi ta không sản xuất được như họ, cũng không có phòng thí nghiệm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gợi ý nên áp dụng kiểm tra rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Ảnh minh hoạ: Tổng cục Hải quan.
Ảnh minh hoạ: Tổng cục Hải quan.
Ngày 19/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu đã kiểm tra tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng và UBND TP. Hải Phòng.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng lưu ý, việc kiểm tra chuyên ngành không hề có phân luồng như Hải quan, tức là kiểm tra 100%, trong khi nhiều lúc chỉ kiểm tra “mò mẫm” bằng cảm quan vì không có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể .

“Kiểm tra chuyên ngành chỉ làm thủ tục giấy tờ là chính. Kiểm tra nhiều khi chỉ bằng cảm quan, phụ thuộc nhiều vào chủ quan, thậm chí có hôm khó tính thì cái nhìn cũng khác. Trong khi thu của doanh nghiệp 1,5 triệu đồng tiền phí”, Bộ trưởng nêu thực tế và cho rằng khoản phí 1,5 triệu đồng chỉ để làm thủ tục, hồ sơ này là cần xem xét lại. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình rằng chỉ kiểm tra cảm quan mà thu 1,5 triệu đồng là “đắt quá”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng việc kiểm tra các sản phẩm công nghệ cao từ các nước G7 là không hợp lý. “iPhone 7, 8 sao cũng kiểm tra, khi ta không sản xuất được như họ, cũng không có phòng thí nghiệm?”, ông nói.

Tinh thần của Chính phủ là vẫn phải bảo đảm quản lý Nhà nước, không thể bỏ việc kiểm tra, nhưng phải thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng kiểm tra rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Cũng tại buổi làm việc với lãnh đạo Hải Phòng cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt xác định năm 2017 là năm giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp.

Hiện thời gian kiểm tra chuyên ngành là rất dài, chiếm tới 78% tổng thời gian thông quan hàng hóa, còn thời gian của Hải quan chỉ 22%. Theo Hải quan Hải Phòng, Hải quan làm thủ tục theo quy định không quá 50 giờ nhưng vẫn phải chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, khiến thời gian thông quan trung bình khoảng 10 ngày.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mỗi năm, doanh nghiệp mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho các thủ tục này.

“Ngay trong tuần, Tổ công tác sẽ kiểm tra Bộ Y tế và Bộ Công Thương về vấn đề này. Việc kiểm tra tốn chi phí, thời gian vô cùng lớn như vậy nhưng tỷ lệ lô hàng vi phạm chỉ phát hiện 0,06% là rất bất cập. Trong khi Hải quan chỉ kiểm tra khoảng 6% lô hàng, nhưng các bộ lại kiểm tra rất nhiều, như số lô hàng thực phẩm phải kiểm tra an toàn thực phẩm lên tới 60-70%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực tế qua kiểm tra.

Cùng với đó, nhiều mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, có mặt hàng tới 4 văn bản, nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ, tức là phải làm 2-3 bộ thủ tục.

Qua kiểm tra thực tế, Tổ trưởng Tổ công tác cũng nêu vấn đề, trong số 680.000 tờ khai hải quan 6 tháng đầu năm nay tại Hải Phòng, chỉ có 64.000 tờ khai thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, tức là chỉ chiếm 9,44%. “Vậy thì tại sao thời gian thông quan lại dài như thế?”, ông nói.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu ngành hải quan chấn chỉnh, quán triệt lực lượng hải quan toàn quốc trước việc các doanh nghiệp, báo chí vẫn phản ánh tình trạng cán bộ nhận phong bì của doanh nghiệp. Nếu phát hiện thì dù nhiều hay ít cũng phải rút kinh nghiệm.