Sau Mỹ, Anh tuyên bố trừng phạt kho vàng 2.300 tấn của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Anh công bố lệnh trừng phạt nhằm vào kho vàng dự trữ 2.300 tấn trị giá khoảng 130 tỷ USD của Nga sau khi Mỹ có động thái tương tự.
Những thỏi vàng nguyên chất 99,99% tại nhà máy kim loại màu Krastsvetmet ở thành phố Krasnoyarsk, Siberia, Nga tháng 11/2018 (Ảnh: Reuters).
Những thỏi vàng nguyên chất 99,99% tại nhà máy kim loại màu Krastsvetmet ở thành phố Krasnoyarsk, Siberia, Nga tháng 11/2018 (Ảnh: Reuters).

RT đưa tin, Anh hôm 25/3 đã bổ sung lệnh cấm giao dịch vàng Nga vào danh sách lệnh hạn chế London áp lên Moscow vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong văn bản hướng dẫn trừng phạt được cập nhật hôm qua trên trang web của chính phủ Anh, London nêu rõ: "Hướng dẫn được cập nhật để làm rõ rằng việc cấm cung cấp các dịch vụ tài chính để dự trữ ngoại hối và quản lý tài sản, cũng áp dụng cho các giao dịch liên quan đến vàng. Nghiêm cấm cung cấp các dịch vụ tài chính để thực hiện các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga liên quan đến kho vàng của họ", tài liệu viết.

Theo RT, động thái của Anh diễn ra sau khi có những quan ngại rằng, Nga có thể sử dụng vàng dự trữ để lách qua lệnh trừng phạt phương Tây.

Hôm 24/3, Bộ Tài chính Mỹ cũng phát hành thông báo cấm các giao dịch vàng với Nga, nhằm vào kho dự trữ khoảng 2.300 tấn trị giá hơn 130 tỷ USD của Moscow.

Các lệnh hạn chế này chỉ tác động tới việc giao dịch vàng Nga tại các thị trường ở Anh và Mỹ, và không thể ngăn Moscow bán vàng cho các nước hoặc sàn giao dịch khác.

Nga hiện có lượng vàng dự trữ lớn thứ 5 thế giới. Họ bắt đầu gia tăng kho vàng từ 8 năm trước kể từ khi bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ 24/2, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Moscow nhằm gây áp lực lên điện Kremlin.

Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận mua ít nhất 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên, lượng LNG nhập từ Mỹ sẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với nhu cầu năng lượng của toàn châu Âu.

Theo thỏa thuận, EU và Mỹ sẽ lập ra một nhóm làm việc để theo dõi nhu cầu năng lượng EU.

Trước đó, Mỹ và Anh đã ban hành lệnh cấm nhập nhiên liệu của Nga. Tuy nhiên, EU lại chia rẽ về vấn đề này vì sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ phía Nga. Việc cấm dầu khí của Nga có thể sẽ khiến giá nhiên liệu tiếp tục tăng phi mã.

Trong khi đó, Nga đã thông báo thay đổi hợp đồng khí đốt hiện tại, khi yêu cầu các nước trong danh sách "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Theo Dantri.com