Sau khi tấn công giết chết tướng chỉ huy Iran, Mỹ vội tăng cường lực lượng, báo động chiến đấu

VietTimes -- Vào sáng sớm ngày 3/1 theo giờ địa phương, các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã không kích mục tiêu gần sân bay Baghdad ở Iraq, giết chết nhiều người, trong đó có một chỉ huy cấp cao của Iran. Kể từ lúc đó, quân đội Mỹ đã tuyên bố tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu cao để đề phòng phía Iran hành động trả thù.
Chiếc xe chở các nạn nhân trúng tên lửa của Mỹ
Chiếc xe chở các nạn nhân trúng tên lửa của Mỹ

Nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài cho biết, chiếc xe chở hai ông Abu Mahdi al-Muhandis, chỉ huy của tổ chức bán quân sự PMU Iraq và tướng Qasem Suleimani, một sĩ quan cao cấp của Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bị ba tên lửa tấn công. Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã tấn công Thiếu tướng Qasem Suleimani, một sĩ quan cao cấp của Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran theo lệnh của Tổng thống Trump. Sau đó, Nhà Trắng cũng xác nhận tuyên bố này trong một tuyên bố trên mạng truyền thông xã hội Twitter. (Ảnh: AP)

Tướng Qasem Suleimani là một nhân vật quân sự quan trọng của Iran và là chỉ huy của Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), phụ trách mọi công tác huấn luyện và chi viện các lực lượng vũ trang cùng với Iran chống lại Israel. Ông cũng nắm giữ quyền quyết định giúp đỡ Syria về mọi mặt từ viện trợ quân sự, ngoại giao và tình báo. Ông đã chỉ huy cuộc chiến đấu chống Mỹ ở Iraq và bị nghi ngờ chỉ huy vụ ám sát đại sứ Arab Saudi tại Mỹ. Hành động của ông Qasem được cho là tác động lớn đến cục diện tình hình ở Trung Đông và được truyền thông Mỹ coi là “Vua gián điệp của Iran”. (Ảnh: AP).

Ông Qasem Suleimani là người giữ vai trò then chốt trong chiến lược Trung Đông của Iran và mối quan hệ của ông với các quan chức cấp cao đã quyết định việc ông đóng vai trò quan trọng trong các quyết sách đối ngoại của Iran. Lữ đoàn tinh nhuệ Quds được báo cáo trực tiếp với lãnh tụ tối cao của Iran. Ông Qasem Sulaymani duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Lãnh đạo tối cao của Iran Grand Ayatollah Seyyed Ali Khamenei. Có cơ quan truyền thông cho rằng ông là “một người cực kỳ quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ”. Trong ảnh trên: ngày 27/3/2015, ông Qasem Suleimani thực hiện nghi thức gặp mặt báo cáo Lãnh tụ tối cao Khamenei. (Ảnh: AFP).

Ông Suleimanni thích để một bộ râu ngắn cắt tỉa gọn gàng, mặc áo choàng không cổ hoặc quân phục. Ông điềm tĩnh, ít nói và yêu thích cờ vua. Các quan chức tình báo Anh và Mỹ thường so sánh Suleimani với cựu điệp viên hai mặt của Liên Xô “Carla” được mô tả bởi tiểu thuyết gia người Anh Le Carry. Mục tiêu của cả hai là liên kết những người khác để chống Mỹ. Trong ảnh trên: Ông Suleimani tại một cuộc họp. (Ảnh: AP).

Một số quốc gia tiêu biểu là Hoa Kỳ đã xác định Lữ đoàn tinh nhuệ Quds do Suleimani lãnh đạo là một tổ chức khủng bố và tuyên bố rằng sẽ tiến hành ám sát,   hoặc bắt giữ ông. Suleimani từng tuyên bố trên truyền thông Iran năm 2011 rằng ông không sợ những lời đe dọa ám sát của Mỹ, sẵn sàng “tử vì đạo” cho đất nước. Trên trang web bằng tiếng Ba Tư, một số tổ chức của Iran đã đưa ra một hoạt động đoàn kết với ông bằng khẩu hiệu “Tất cả chúng ta đều là Qasem Suleimani”. (Ảnh: AP).

Sau khi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad của Iraq bị tấn công bạo lực vào ngày 31/12/2019, ngày 1/1/2020 lại nổ ra các cuộc biểu tình phản kháng Mỹ của dân chúng. Nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng đột ngột ở Trung Đông được cho là bắt nguồn từ lực lượng dân quân Iraq “Lữ đoàn Thánh Allah” thân Iran tấn công căn cứ quân sự của Iraq vào ngày 27/12/2019, gây ra cái chết của một người Mỹ. Ngày 29/12.Mỹ đã phát động một chiến dịch quy mô lớn, không kích các vị trí của “Lữ đoàn Allah” ở Iraq và Syria, giết chết ít nhất 25 người. Vụ việc đã làm dấy lên sự phẫn nộ của người Iraq. Một số lượng lớn người dân Iraq thân Iran đã kéo đến Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad để phản đối và tấn công vào bên trong. (Ảnh: AP).

Tổng thống Trump đã tuyên bố coi Iran là người đứng phía sau cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ; phía Iran đã bác bỏ lời cáo buộc này. Ông Trump đã ra lệnh đưa thêm 750 lính Mỹ đến Trung Đông và có kế hoạch gửi thêm 3.000 người nữa. Ông cảnh báo rằng Iran “sẽ phải trả giá rất nặng nề! Đây không phải là cảnh báo, mà là đe dọa”, nhưng ông Trump không nói rõ mối “đe dọa” này có nghĩa là gì. Khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng này có biến thành chiến tranh hay không, ông Trump trả lời rằng “đó không phải là một điều tốt cho Iran”, đồng thời nói rằng ông muốn thấy hòa bình, “Iran nên muốn hòa bình hơn bất cứ ai”. (Ảnh: AP).

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã đưa ra một tuyên bố rằng do xảy ra các hoạt động chống lại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Iraq ở thủ đô Baghdad, quân đội Hoa Kỳ đã phái lực lượng đặc biệt tới để bảo vệ an ninh cho Đại sứ quán. Trong ảnh trên: ngày 1 tháng 1, lính dù phản ứng nhanh của Sư đoàn Đổ bộ đường không số 82 đang hành quân lên máy bay vận tải C-17 để tới Kuwait. (Ảnh: Reuters)

Ngày 2/1/2020, lực lượng đặc nhiệm không – bộ của của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm Ứng phó Khủng hoảng (SPMAGTF-CR-CC), được tăng viện cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baghdad, Iraq. (Ảnh: Reuters).

 Ngày 2 tháng 1, lính nhảy dù của Sư đoàn Đổ bộ đường không số 82 đã tới căn cứ không quân Al Salen ở Kuwait. (Ảnh: Reuters)