Sau khi đào tạo “người bán”, Amazon sẽ “đổ bộ” thực sự vào Việt Nam?

VietTimes -- Trước những thông tin về việc Amazon sẽ "đổ bộ" vào Việt Nam, tháng 3/2018, đại diện của Amazon đã phát đi những thông điệp cho thấy tập đoàn này sẽ không làm điều đó thông qua việc cung cấp một trang thương mại điện tử Việt hóa. Động thái mới đây nhất của Amazon cho thấy tập đoàn này đang theo sát chiến lược đã đề ra.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mới đây, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã công bố lễ ký kết hợp tác với Amazon Global Selling nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Tham dự chương trình có đại diện của hơn 180 doanh nghiệp, địa phương, đại sứ quán và các tổ chức nước ngoài.

Nhận định việc hợp tác này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) cho biết đây là thành công bước đầu của Bộ Công thương. Bởi lẽ, Amazon được đánh giá là “gã khổng lồ”, công ty thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới.

“Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều thay đổi, Việt Nam lại có trên 700.000 doanh nghiệp, trong đó có đến 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên ngoài các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống như giao thương, đi hội chợ nước ngoài thì việc đẩy mạnh thương mại điện tử là vô cùng cần thiết.” - ông Phú cho biết.

Cũng theo chia sẻ của người đứng đầu Vietrade, đơn vị này và Amazon Global Selling đã thống nhất phối hợp thực hiện các nội dung chính như: hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam; ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận thị trường thế giới; phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử trên một số trang web của Amazon.  

Đáng chú ý, hoạt động hợp tác còn có chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên trang web của Amazon.

Lý giải về việc chọn Việt Nam là thị trường phát triển, ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho biết, tập đoàn này nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn từ thị trường, nhất là tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ ở Việt Nam ngay trên chính Amazon.

“Các doanh nghiệp Việt Nam nổi tiếng với năng lực sản xuất hàng đầu, khi kết hợp với nguồn lực từ khắp thế giới của Amazon sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.” - Giám đốc Amazon Global Selling cho biết.

Chiến lược phát triển được đại diện của Amazon công bố trong buổi ký kết hợp tác (diễn ra ngày 14/1/2019) có phần bám sát với những thông tin được tiết lộ trước đó của ông Gija Seong - Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore.

Amazon vào Việt Nam: tất cả chúng ta đã hiểu sai!

Như VietTimes đã từng đề cập, trước những thông tin Amazon sẽ "đổ bộ" vào Việt Nam, một lãnh đạo của tập đoàn này đã có những chia sẻ khá chi tiết. 

Cụ thể, tại một diễn đàn thương mại điện tử (diễn ra ngày 14/3/2018) do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) tổ chức, ông Gija Seong đã cho biết tập đoàn này “đang xây dựng đội ngũ nhân viên ở Đông Nam Á để giúp đỡ người bán, chủ thương hiệu và nhà sản xuất” và mong muốn “thúc đẩy doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon”.

Mục đích nhằm giúp những “người bán” này tận dụng kênh phân phối trực tuyến toàn cầu, tiếp cận khách hàng qua các trang thương mại điện tử toàn cầu của Amazon.

Điều này cũng đồng nghĩa, Amazon sẽ không vào Việt Nam theo cách thức là cung cấp một trang thương mại điện tử Việt hóa. Trên thực tế, các động thái gần đây của Amazon vẫn cho thấy tập đoàn này đang kiên định với các chiến lược của mình.

Tuy nhiên, theo tờ Nikkei, chiến lược này là bước đi quen thuộc của Amazon khi thâm nhập vào các thị trường mới. Điều này sẽ giúp Amazon tạo được sự quen thuộc với người tiêu dùng rồi mới tiến hành “đổ bộ” hoàn toàn.

Nhưng trước khi điều đó xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng xu hướng hàng hóa trên thế giới, nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng trên trang bán hàng của Amazon./.