Sau 7 năm, TV 3D đã chết

TV 3D không tạo được hiệu ứng lớn như các nhà sản xuất quảng cáo trước đây.  Dòng sản phẩm này đã thực sự bị khai tử. Tại CES vừa qua, không một nhà sản xuất nào giới thiệu TV 3D.
TV 3D dần lạ lẫm với người dùng phổ thông những năm gần đây. Ảnh: AP.
TV 3D dần lạ lẫm với người dùng phổ thông những năm gần đây. Ảnh: AP.

Đôi khi, các công ty điện tử tiêu dùng cố gắng bán những công nghệ mà người dùng hoàn toàn chối bỏ. Kết quả là, chúng bị thị trường khai tử còn nhà sản xuất cố gắn cho cái tên "đi trước thời gian" để bao biện cho thất bại của mình.

3D TV là một ví dụ. Dòng sản phẩm này đã thực sự bị khai tử. Tại CES vừa qua, không một nhà sản xuất nào giới thiệu TV 3D.

2 nhà sản xuất TV với tính năng 3D cuối cùng là LG và Sony sẽ không phát triển bất cứ mẫu TV nào có khả năng hiển thị phim và TV show 3D nào nữa, theo Cnet. Trước đó, hàng loạt hãng sản xuất bao gồm Vizio, Sharp, TCL đều đã khai tử dòng sản phẩm này.

Vào năm 2010, ngay sau thành công của phim Avatar - phim bom tấn 3D đầu tiên, các hãng TV bắt đầu ồ ạt điều chuyển các kỹ sư và đổ tiền tấn để marketing cho công nghệ 3D. 7 năm sau, 3D chưa bao giờ đủ phổ cập trong ngành công nghiệp, cũng chẳng thể trở thành yếu tố chính khi người dùng lựa chọn một chiếc TV, giám đốc sản xuất của LG nói với Cnet.

Hiện tại, ngành công nghiệp TV chủ yếu tập trung vào 4K, HDR và các tính năng thông minh để khuyến khích người dùng nâng cấp TV. Năm 2012, 3D TV chiếm khoảng 23% doanh số bán ra, theo NPD Group. Đến nay, TV 3D chủ yếu được sử dụng để thử nghiệm các công nghệ như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường hay thiết bị đeo thông min.

Có một vài lý do khiến TV 3D không thể trở thành phổ biến, theo Business Insider, chẳng hạn không có đủ nội dung cần thiết, kính 3D tạo cảm giác nặng nề, khó chịu cho người dùng, TV 3D cần được hiệu chỉnh cụ thể và có thể gây mỏi mắt.

Điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất đã thổi phồng khả năng của nó. Các hiệu ứng 3D chưa bao giờ tạo được ấn tượng thực sự mạnh đến mức đáng kinh ngạc hoặc làm thay đổi hoàn toàn trải nghiệm xem của người dùng.

Theo Zing