Nội dung này nằm trong Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022 mà Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký ban hành.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị 7 nội dung cụ thể liên quan đến: dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); và Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đối với Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết của việc sửa đổi luật trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.
Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách cụ thể theo hướng rà soát các vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các chính sách về quy hoạch, chiến lược, chương trình phát triển nhà ở, bảo đảm tính dự báo quá trình phát triển.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực các bộ đáp ứng việc phân cấp; cắt giảm thủ tục hành chính.
Hoàn thiện các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư các nguồn lực cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, để bảo đảm chính sách an sinh xã hội về nhà ở.
Về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ cũng khẳng định về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi luật để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan.
Bộ Xây dựng chủ trì việc nghiên cứu, tiếp tục rà soát, làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của từng nhóm chính sách, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, tránh phát sinh thủ tục, chi phí cho giao dịch bất động sản.
Trong đó, lưu ý đánh giá kỹ về các điều kiện kinh doanh, giao dịch qua sàn, môi giới bất động sản, tín dụng, thuế, phí,… để điều tiết thị trường, tránh tạo thêm thủ tục, trung gian, ảnh hưởng tới quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, quyền sở hữu của người dân đã được pháp luật bảo hộ, tạo lập khung khổ pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Về tiến độ thực hiện, Chính phủ giao Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 luật nêu trên, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư vào tháng 10/2022./.