Sắp có nền tảng quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, công bố hơn 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc (TXNG). Dự kiến quý IV/2021, Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động.
Truy xuất nguồn gốc giúp tăng niềm tin người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc giúp tăng niềm tin người tiêu dùng.

Nhiệm vụ trên do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai theo lộ trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (Đề án 100). Theo mục tiêu của Đề án 100, đến năm 2025, cổng thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia sẽ kết nối với 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Theo đó, Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Bộ KH&CN) là đơn vị được ủy quyền chủ trì thực hiện triển khai Quyết định trên. Hiện, đơn vị đang phối hợp xây dựng dự thảo Thông tư về nhãn điện tử để đưa ra một quy định thống nhất về các loại tem, nhãn sử dụng mã vạch, mã QR để đáp ứng yêu cầu triển khai. Các thông tin về TXNG sản phẩm, hàng hóa được các doanh nghiệp đưa lên Cổng TXNG sẽ tạo nên kho dữ liệu để phục vụ nhu cầu minh bạch thông tin sản phẩm xuất khẩu và thương mại điện tử của doanh nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở “truy xuất thông tin”

Hiện nay, việc TXNG sản phẩm, hàng hóa đang được thực hiện thông qua các mã vạch hoặc mã QR. Tuy nhiên, việc TXNG theo các hình thức này chưa đem lại niềm tin cho người tiêu dùng do các thông tin được cung cấp chưa đầy đủ, nhất là các khâu đầu vào của quá trình sản xuất. TXNG đạt chuẩn phải thông qua một loại nhãn điện tử sử dụng mã vạch hoặc mã QR theo tiêu chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch toàn cầu GS1. Khi sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng quét mã QR phải hiện lên đầy đủ các thông tin về chuỗi sản phẩm, từ mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển. Trên thực tế, các hệ thống truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là mã nội bộ, không có khả năng tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc khác do chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1.

Có thể thấy, TXNG một sản phẩm phải cung cấp thông tin theo chuỗi, có cơ sở dữ liệu để đảm bảo thông tin minh bạch, rõ ràng theo thời gian thực chứ không chỉ truy xuất một công đoạn làm ra sản phẩm. Do đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia là cơ sở để các doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động TXNG. Theo đó, thông tin về sản phẩm, hàng hóa được thu thập đầy đủ trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng, thay vì chỉ có thông tin của khâu nuôi trồng, sản xuất như hiện nay. Cổng TXNG sẽ lưu trữ các thông tin này nhằm phục vụ nhu cầu quảng bá của doanh nghiệp và quản lý, giám sát việc thực hiện TXNG của Nhà nước. Bộ KH&CN kỳ vọng, việc chuẩn hóa mã TXNG, đưa vào vận hành Cổng TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ góp phần giải quyết thực trạng này.

Cổng TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ góp phần giải quyết nhược điểm của quá trình truy xuất thông tin hiện nay.

Cổng TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ góp phần giải quyết nhược điểm của quá trình truy xuất thông tin hiện nay.

Chuyển đổi số trong TXNG là nhu cầu cấp bách khi hội nhập kinh tế quốc tế

Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia nhận định, TXNG toàn diện các khâu sẽ đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm khi TXNG, từ đó hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Về phía doanh nghiệp, TXNG giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.

Không chỉ tạo sự tin tưởng cho khách hàng, TXNG còn bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp, nhất là tại những thị trường “khó tính” khi xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa. Việc truy xuất cũng có thể kiểm soát chất lượng các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

TXNG áp dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời chống gian lận thương mại. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động cải tiến, khắc phục điểm yếu, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá. Đặc biệt, quá trình này giúp doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.

Trước đó, tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả sản xuất - Tương lai của nguồn cung ứng toàn cầu”, ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng từng nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong TXNG là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Khi số lượng hàng hóa, quy mô chuỗi cung ứng, yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến được xem là “chìa khoá” để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá.

"Ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất là xu hướng và đang trở thành chiến lược mới cho các doanh nghiệp nhằm mục tiêu tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp trên thế giới" - ông Vinh khẳng định.

Thời gian qua, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã triển khai nhiều giải pháp như ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, cho phép các đơn vị thực hiện cập nhật nhật ký điện tử. Ứng dụng này liên kết toàn bộ thông tin trong chuỗi cung ứng, người tiêu dùng có thể quét mã QR để xem lại toàn bộ lịch sử quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.

Bên cạnh đó, ứng dụng bản đồ trái cây Việt Nam cũng được ra mắt nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại điện tử. Ứng dụng này có thể phát triển thành giải pháp quản lý tổng thể hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nông dân cập nhật và theo dõi toàn bộ thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trên từng thửa ruộng, làm cơ sở cho việc định hướng sản xuất và phán đoán xu hướng giá cả sản phẩm dựa trên thống kê nhu cầu tiêu thụ hàng năm.

Ngoài ra, đơn vị còn phát triển ứng dụng quản lý thẻ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Giải pháp giúp cảnh sát giao thông thuận tiện tra cứu thông tin, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dễ dàng thống kê tình trạng cấp bảo hiểm theo quy định.