Sản xuất iPhone ngừng hoạt động do căng thẳng Trung - Ấn

VietTimes – Dù không phải là một công ty Trung Quốc nhưng cuộc đụng độ Trung - Ấn đang khiến Apple lâm vào tình thế khó xử.
Ảnh: Phone Arena
Ảnh: Phone Arena

Xung đột biên giới Trung - Ấn vào hồi tháng 6 đã khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng. Tại thời điểm đó, đã có báo cáo cho biết căng thẳng giữa hai quốc gia đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất iPhone và vận chuyển linh kiện đến Ấn Độ.

Chính quyền Ấn Độ đã chặn đứng các chuyến hàng từ Trung Quốc vào Ấn Độ. Quyết định này khiến nhiều lô linh kiện của Apple bị giữ lại tại các cảng Ấn Độ. Một nhóm vận động hành lang đại diện cho các công ty Mỹ ở Ấn Độ đã gửi một bức thư phàn nàn lên Bộ trưởng Thương mại nước này, trong đó có nội dung cho rằng “việc giữ các lô hàng từ Trung Quốc có thể ngăn cản các công ty Mỹ kinh doanh tại Ấn Độ”.

Công nhân Foxconn tại Ấn Độ đã "ngồi chơi xơi nước" cả tuần!

Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ vẫn tiếp tục gây khó khăn, thậm chí nước này còn muốn chặn đứng xuất khẩu từ Trung Quốc. Do đó, Foxconn – nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của Apple không thể nhận được nguồn cung linh kiện cho hai nhà máy của hãng ở miền Nam Ấn Độ khiến hàng trăm công nhân của công ty không có việc gì để làm trong tuần này.

Apple đã bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone tại Ấn Độ như iPhone SE, iPhone XR. Với việc sản xuất các thiết bị di động ở Ấn Độ, Apple có thể ngăn nước này áp thuế nhập khẩu đối một số sản phẩm của công ty. Mặc dù là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, Ấn Độ vẫn là một quốc gia đang phát triển. Các mẫu điện thoại tầm trung và cấp thấp được người tiêu dùng tại nước này ưa chuộng nhất. Đương nhiên, việc tránh 100-200 USD thuế nhập khẩu là một vấn đề lớn trên thị trường này.

Ảnh: Phone Arena
Ảnh: Phone Arena

Được biết, hơn 150 lô hàng của Foxconn vận chuyển từ Trung Quốc tới các nhà máy của hãng ở Ấn Độ đã bị kẹt tại cảng Chennai. Ở Ấn Độ, Foxconn có hai nhà máy đặt tại bang Tamil Nadu và Andhra Pradesh. Bên cạnh việc lắp ráp iPhone cho Apple, Foxconn cũng lắp ráp một số thiết bị di động của Xiaomi. Các nhà máy của Foxconn tạo ra việc làm cho hàng nghìn người Ấn Độ, thậm chí nhiều người còn ở luôn trong các khu ký túc xá do Foxconn cung cấp.

“Foxconn đang trong tình trạng rất tồi tệ, rất nhiều công nhân ở lại ký túc xá không có việc làm” – một nguồn tin nói với Reuters.

Sự chậm trễ đối với các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ập đến các công ty đang hoạt động ở Ấn Độ vào thời điểm chuỗi cung ứng vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các nhóm vận động hành lang đại diện cho các công ty Mỹ tại Ấn Độ vẫn đang yêu cầu chính phủ can thiệp.

Samsung trở thành ngư ông đắc lợi

Ngày 3/7, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cơ quan này hy vọng Ấn Độ sẽ sớm dừng hành động phân biệt đối xử đối với các công ty Trung Quốc. Mới đây, Ấn Độ đã tuyên bố cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc trong đó có cả ứng dụng nổi tiếng TikTok, khiến công ty này “kêu trời” vì thiệt hại hàng tỷ USD.

Là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, căng thẳng giữa hai nước có thể tác động tiêu cực đến một số thương hiệu smartphone hàng đầu của Trung Quốc ở Ấn Độ. Điện thoại thông minh của Xiaomi có 30% thị phần tại thị trường này, Vivo đứng thứ hai với 17% thị trường, tiếp theo là Samsung (16%), Oppo (12%) và Realme (14%).

Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài lại vô tình giúp Samsung trở thành công ty được hưởng lợi nhiều nhất vì đây không phải là một thương hiệu Trung Quốc và các dòng Galaxy A với thời lượng pin dài, mức giá phải chăng có khả năng sẽ lên ngôi do chiến dịch kêu gọi tẩy chay Trung Quốc ở Ấn Độ.

Theo PhoneArena