Sẵn sàng “chồng” tối thiểu 5,5 nghìn tỷ đồng một lúc, 4 nhà đầu tư sắp “sống mái” để thế chỗ SCIC ở Vinaconex là ai?

VietTimes -- Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách 4 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần khối lượng lớn của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã CK: VCG) do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu.
Với sự xuất hiện của 4 nhà đầu tư mới, thương vụ thoái vốn tại Vinaconex đang được "hâm nóng" (Nguồn: VCG)
Với sự xuất hiện của 4 nhà đầu tư mới, thương vụ thoái vốn tại Vinaconex đang được "hâm nóng" (Nguồn: VCG)

Sự kiện thoái vốn cả lô của 2 cổ đông lớn tại Vinaconex là SCIC và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục được “hâm nóng” với sự xuất hiện của 4 nhà đầu tư mới.

Lộ diện những nhà đầu tư đầu tiên muốn mua cổ phần Vinaconex của Viettel: Có cả công ty của con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô
Trong khi Viettel tiến hành thoái vốn lô cổ phiếu có quy mô 94.010.175 cổ phần VCG (tương đương 21,28% vốn điều lệ Vinaconex), SCIC dự kiến thoái 254.901.153 cổ phần (tương ứng với 57,71%).

Với mức giá đấu khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư tham gia phiên thoái vốn của SCIC dự kiến sẽ phải bỏ ra số tiền ít nhất là 5.429,37 tỷ đồng.

Chỉ cần chi nghìn tỷ trong 1 lần, phần thưởng cho nhà đầu tư trúng giá trong phiên đấu giá của SCIC là việc nắm được quyền chi phối tại Vinaconex – một doanh nghiệp đang sở hữu tới 3,2 triệu m2 đất trên khắp cả nước.

Vậy, các nhà đầu tư tham gia phiến đấu giá này là ai?

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Đông

Là một nhà đầu tư cá nhân hiếm hoi tham gia “thương vụ nghìn tỷ” tại Vinaconex, ông Nguyễn Văn Đông còn khá trẻ khi sinh ngày 5/5/1980. Ông Đông đăng ký hộ khẩu thường trú tại Số 264 Lý Nam Đế, Phường Hương Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Nguyễn Văn Đông cũng là một doanh nhân khi đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Đông Nguyễn (Đông Nguyễn).

Công ty Đông Nguyễn được thành lập ngày 5/10/2015, có địa chỉ trụ sở chính tại Quốc lộ 49, Xã Phú Thượng, Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguồn vốn thực hiện được ông Đông tiết lộ (trong thông báo đăng ký mua cổ phần)  đến từ “vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm việc tham gia đấu giá và thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời gian quy định”.

Bên cạnh đó, mục đích tham gia của nhà đầu tư này cũng được tiết lộ ngắn gọn là “đầu tư lâu dài”. Với lượng thông tin trên, ông Nguyễn Văn Đông vẫn còn là một ẩn số đáng chú ý.

Dù vậy, với quy mô đấu giá lên tới hơn 5.400 tỷ đồng, hẳn nhiên sẽ là thiếu sót nếu ông Đông chưa có được vị trí nào trong các bảng xếp hạng tỷ phú của Việt Nam. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, ông Đông chỉ là người “đứng tên hộ” cho một đại gia bất động sản trong cuộc đấu giá lần này.

CTCP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC

Nhà đầu tư tiếp đến trong danh sách là CTCP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (TJC). Công ty này được thành lập ngày 4/6/2008, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Tầng 5, tòa nhà số 57, phố Vũ Trọng Phụng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Thông tin về TJC được tiết lộ khá chi tiết trong thông báo đăng ký mua cổ phần. Cụ thể, TJC hiện có vốn điều lệ là 250 tỷ đồng, được góp bởi 3 cá nhân là: Nguyễn Duy Dũng (45%), Trần Đức Thọ (45%) và Nguyễn Việt Hưng (10%).

Trong năm 2017, TJC đã đạt doanh thu thuần là 1,8 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lại ghi nhận khoản lỗ 2,8 tỷ đồng. Nhưng kết quả kinh doanh thua lỗ trong 1 năm chưa thể đủ để kết luận về năng lực của nhà đầu tư này.

Một số thông tin tài chính của nhà đầu tư CTCP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (Nguồn: HNX)
Một số thông tin tài chính của nhà đầu tư CTCP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (Nguồn: HNX)

Thực tế, TJC cũng là một doanh nghiệp ít nhiều được nhắc đến tên khi tham gia các liên danh thực hiện các dự án xây dựng.

Trong năm 2017, TJC đã hợp tác với CTCP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) để hình thành nên liên doanh AHT – TJC. Đây là một trong 4 nhà đầu tư đã gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải xin được đầu tư Nhà ga hành khách T4 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, TJC cũng là một trong những đối tác khá “quen biết” với Vinaconex tại một số dự án.

Cụ thể, TJC đã thành lập liên danh với Vinaconex và CTCP nước sạch Hà Nam đề xuất phương án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên tại Đà Nẵng bằng hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao).

Ngoài ra, TJC còn đảm nhiệm phát triển và khai thác tại dự án KaLong Riverside City – một dự án của chủ đầu tư CTCP hợp tác thương mại Asean và nhà thầu Vinaconex.

Tham gia đợt đấu giá lần này, TJC dự kiến huy động nguồn vốn từ Vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp lệ khác. Mục đích mua cổ phiếu của TJC là nhằm “thực hiện đầu tư theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty”.

Công ty TNHH Đầu tư Star Invest

Một pháp nhân khác cũng đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Vinaconex là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest), vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Star Invest mới chỉ có tuổi đời kéo dài được 6 ngày (thành lập ngày 9/11/2018) và là công ty một thành viên. Star Invest đăng ký địa chỉ trụ sở đăng ký tại Tầng 5, Tòa nhà Sentinel Place, Số 41A Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc là ông Đặng Thế Anh Đức (sinh năm 1985), thường trú tại Chung cư Tràng An 2, Khối Tân Phương, Phường Vĩnh Tân, Thành Phố Vinh, Nghệ An.

Vì mới thành lập, Star Invest cho biết đang sắp xếp đủ nguồn tài chính phục vụ kế hoạch tham gia đấu giá lô cổ phần Vinaconex, nhằm đảm bảo việc tham gia đấu giá và thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời gian quy định.

Cũng vì tuổi đời quá ngắn, nên thay vì một số chỉ tiêu tài chính tóm tắt, Star Invest lại tiết lộ nhiều kế hoạch kinh doanh và mục đích sử dụng vốn.

Nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Star Invest dành khá nhiều nội dung cho các mục tiêu và kế hoạch phát triển (Nguồn: HNX)
Nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Star Invest dành khá nhiều nội dung cho các mục tiêu và kế hoạch phát triển (Nguồn: HNX)

Cụ thể, chủ sở hữu định hướng và phấn đấu phát triển Star Invest thành một công ty chuyên về Bất động sản và xây dựng, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đăng cấp, khẳng định vị thế trên thị trường.

Đồng thời, Star Invest cũng đặt ra các mục tiêu và kế hoạch hành động khá tham vọng khi sẽ thực hiện đầu tư, gắn bó lợi ích lâu dài với Vinaconex.

Đáng chú ý, để thực hiện hóa mục tiêu, Star Invest sẽ tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ Vinaconex trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiểu quả hoạt động kinh doanh, cũng như sức cạnh tranh của Vinaconex sau khi đấu giá thành công.

Công ty TNHH An Quý Hưng

Là cái tên cuối cùng trong danh sách nhưng Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng – AQH) lại là một doanh nghiệp bất động sản đã ít nhiều để lại dấu ấn trên thị trường. Đáng chú ý, An Quý Hưng cũng là nhà đầu tư duy nhất sở hữu website công khai.

An Quý Hưng là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm, được thành lập ngày 8/4/2001, có địa chỉ trụ sở chính tại Km28, Quốc lộ 6A, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Theo thông tin được HNX công bố, An Quý Hưng có vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Tham gia góp vốn có sự góp mặt của 2 cổ đông cá nhân là: Nguyễn Xuân Đông (70%) và Đỗ Thị Thanh (30%).

Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Nguyễn Xuân Đông vừa góp vốn thêm vào An Quý Hưng, nâng mức vốn điều lệ của công ty này lên 500 tỷ đồng (theo Giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 12/11/2018).

Thông báo đăng ký mua cổ phần cũng tiết lộ kết quả kinh doanh khả quan của An Quý Hưng. Doanh thu thuần cả năm 2017 của công ty đạt 956 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt tới 62,3 tỷ đồng.

Nhà đầu tư Công ty TNHH An Quý Hưng có nhiều chỉ tiêu tài chính vượt trội so với các ứng cử viên khác (Nguồn: HNX)
Nhà đầu tư Công ty TNHH An Quý Hưng có nhiều chỉ tiêu tài chính vượt trội so với các ứng cử viên khác (Nguồn: HNX)

Cũng theo tìm hiểu của VietTimes, An Quý Hưng này đã có kinh nghiệm thi công gần 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới gần 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công ty sở hữu nền tảng là đội ngũ gần 2.000 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân viên tâm huyết.

Được biết, An Quý Hưng từng tham gia góp tới 62% vốn trong một liên danh với CTCP Đầu tư Văn Phú số 2 và CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã CK: VPI) để thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex (Văn Phú Complex) vào tháng 8/2016.

Tuy nhiên, tới tháng 9/2018, An Quý Hưng đã rút vốn khỏi liên danh này. Lý do cho động thái trên đến nay vẫn chưa được các bên liên quan công bố. 

Đọc thêm:

"An Quý Hưng rút khỏi dự án Văn Phú Complex"

Dù sao, việc tham gia thành lập liên doanh với VPI – một trong những doanh nghiệp địa ốc lớn nhất Hà Nội cũng cho thấy tiềm lực và sự uy tín của An Quý Hưng trên thị trường.

Một chi tiết khác về An Quý Hưng cũng rất đáng chú ý.

Nhà sáng lập công ty – ông Nguyễn Xuân Đông – sinh ngày 19/12/1966, đang đồng thời đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Đức Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH An Quý Hưng Land, và từng có thời gian giữ cương vị Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vimeco (từ tháng 04/2014 – tháng 04/2017).

Ngày 27/4/2018, ông Nguyễn Xuân Đông đã được bầu tham gia HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Mã CK: HPX), và là một trong số 2 Thành viên độc lập của công ty này, bên cạnh ông Hoàng Vệ Dũng.

Ngoài ra, VPI, HPX hay Vinaconex cũng khá “quen biết” lẫn nhau khi các doanh nghiệp này đã từng hợp tác theo cặp trong một số dự án.

An Quý Hưng cũng tiết lộ cách huy động nguồn vốn và mục đích mua cổ phiếu có nhiều điểm tương đồng với nhà đầu tư TJC đã nhắc tới ở trên./.