|
Sân Vinh - đang được định nghĩa "ruộng có tường bao". Ảnh màn hình. |
Không muốn bị mang tiếng là "ruộng có tường bao" đội bóng đất Cảng cho biết ban quản lý sân sẽ thay thế toàn bộ mặt cỏ hiện tại ở Lạch Tray bằng loại cỏ lá gừng. Từ nhiều năm nay, với mặt sân mấp mô, HLV Trương Việt Hoàng đành phải chọn lối đá cắc-bùm, tuyến dưới đá bổng và dài lên cho 3 ngoại binh tự xoay xở.
|
Sân Vinh còn nhếch nhách đến bao giờ?- Một câu hỏi tưởng dễ nhưng đã vài năm nay không một ai chịu trả lời. Ảnh AT
|
“Xóa bẫy” trên sân Lạch Tray
Bộ đôi tiền đạo người Jamaica Fagan, Lynch của Hải Phòng đến khi chuyển sang thi đấu cho Than Quảng Ninh mới có điều kiện bộc lộ hết những phẩm chất kỹ thuật. Với điều kiện sân bãi như thế, không chỉ gây khó khăn cho các đội khách mà còn thiệt thòi cho chính chủ nhà. Với bóng đá chuyên nghiệp, không tốn tiền sân thì sẽ tốn tiền viện, đó là điều chắc chắn.
Hiện nay, ngoại trừ số ít đội bóng như Hà Nội được địa phương giao quản lý sân, phần lớn các đội V.League sân đều do các Sở VH-TT-Du lịch quản lý. Nên việc sửa chữa, nâng cấp các sân bóng đều lâm vào tình trạng “cha chung không ai khóc", dù kinh phí không nhiều.
|
Thời tiết đang ủng hộ nên CLB Hải Phòng cố gắng thực hiện việc cải tạo mặt cỏ trước khi V.League 2020 quay trở lại. Ảnh HPFC
|
Thời tiết đang ủng hộ nên CLB Hải Phòng cố gắng thực hiện việc cải tạo mặt cỏ trước khi V.League 2020 quay trở lại. Điều này đang làm cho động lực tập luyện của các cầu thủ đội bóng đất Cảng được tăng lên đáng kể, nỗi lo chấn thương khi luyện tập để ngồi ngoài không biết kêu ai đã được tan biến.
Nếu đúng chuẩn quốc tế như các sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy, Thống Nhất, Phú Thọ dùng loại cỏ lá kim (hay còn gọi là cỏ Bermuda, xuất xứ Nam Mỹ) thì đơn giá trồng ban đầu 100.000 VNĐ/m2, chi phí bảo dưỡng 120 ngàn/m2/năm, còn nếu dùng loại cỏ tre như các sân còn lại thì đơn giá trồng ban đầu chỉ 50.000 VNĐ, tiền bảo dưỡng chỉ 20-30.000 đồng/m2.
|
Mặt cỏ sân Vinh xơ xác, nền cứng ảnh hưởng rất nhiều đến thi đấu. Ảnh Văn Hải
|
Tính ra, để nâng cấp sân Vinh, kinh phí không phải quá nhiều, kể cả việc bóc nền làm lại mặt sân. Nhà báo Quang Huy (Thể thao TP.HCM) đã đặt câu hỏi: “Chính HLV Đức Thắng đã từng nói, “mặt cỏ sân Vinh bây giờ chả khác gì mặt bê tông và mong tỉnh nhà hỗ trợ kịp thời nếu không các cầu thủ sẽ rất dễ đối mặt với rủi ro không mong muốn”.
“Thực tế thì số tiền tỉnh Nghệ An hỗ trợ cho SLNA là không ít nếu so với các đội bóng khác nhưng không hiểu vì sao họ không bổ sung thêm một phần nhằm cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất đang xuống cấp hiện tại”.
Phóng viên này nhẩm tính “Ví dụ như mùa giải năm ngoái, số tiền tỉnh hỗ trợ là 20 tỷ, NH Bắc Á xấp xỉ 30 tỷ còn thêm một phần 20 tỷ từ doanh nghiệp thứ 2. Cộng lại thì rõ ràng nguồn kinh phí của đội bóng xứ Nghệ vẫn được xem là cao ở mặt bằng chung V.League, không tính những đội bóng nhà giàu kiểu như Hà Nội, TP.HCM…”. Nỗ lực cố gắng vài thùng sơn quét lại khán đài hay ít xẻng đất tại khu vực 5,5m của sân Vinh đáng được ghi nhận, nhưng chừng ấy là chưa đủ.
Theo tính toán của nhà báo này, dù V.League có 14 đội nhưng đã ít nhất 15 HLV kêu ca, phàn nàn khi dẫn quân đến Vinh, người mới nhất là Thanh Sơn - HLV B.Bình Dương. Năm nào cũng kêu nhưng các giám sát, quan chức VFF, VPF vẫn “im lặng đáng sợ”. Hình như quan chức VPF rất ngại đụng chạm!
Tạm dừng truyền hình sân Vinh?
|
Ngay cả tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh điều kiện sân bãi cũng tốt hơn SLNA. Ảnh HTFC
|
Khá nhiều cổ động viên xứ Nghệ yêu cầu nếu sân Vinh vẫn không được cải tạo, VPF cần tạm thời không truyền hình trực tiếp các trận đấu của SLNA trên sân nhà. Bởi khi hình ảnh sân Vinh tệ hại như mặt ruộng được chiếu rộng rãi trên truyền hình, sẽ làm xấu thương hiệu bóng đá Việt Nam và hình ảnh tỉnh nhà. Một ý kiến rất nghiêm túc cần được VFF, VPF quan tâm, nếu như họ không thể đưa ra tối hậu thư “treo sân” khi không đảm bảo ánh sáng và mặt sân theo đúng tiêu chuẩn.
Đã chứng kiến đội tuyển Việt Nam và các CLB V.League thi đấu tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, rõ ràng sân bãi ở Việt Nam vẫn đang là vấn đề hết sức nan giải và gây thất vọng lớn cho người hâm mộ.
Sân Vinh còn nhếch nhác đến bao giờ?- Câu hỏi tưởng dễ nhưng không ai chịu trả lời.