Samsung Electronics đã thông báo cho các nhân viên tại Trung Quốc đại lục về một đợt tái cấu trúc dự kiến sẽ loại bỏ khoảng 130 vị trí - tương đương với 8% đội ngũ bán hàng tại quốc gia này. Được biết, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng kinh doanh trì trệ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sự kiện này là một bước thử nghiệm trước thềm một đợt tái cấu trúc rộng hơn của Samsung có khả năng cắt giảm tới 30% lực lượng lao động tại Trung Quốc đại lục vào năm tới, tờ Seoul Economic Daily đưa tin đầu tuần này.
Samsung – nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong hai quý vừa qua, theo công ty nghiên cứu IDC – đã bắt đầu chấp nhận đơn từ chức tự nguyện. Samsung dự kiến sẽ buộc phải sa thải một số nhân viên trong trường hợp số lượng đơn chấm dứt hợp đồng tự nguyện không đạt mục tiêu.
Trong một tuyên bố gửi tới hãng truyền thông Trung Quốc Jiemian, đơn vị Samsung tại Trung Quốc cho biết việc điều chỉnh nhân sự nhằm mục đích cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. "Công ty có kế hoạch loại bỏ các vị trí dư thừa để phân bổ nguồn lực tốt hơn và nâng cao hiệu suất tổ chức", tuyên bố cho biết.
Theo một cựu nhân viên của Samsung Trung Quốc, quy mô các văn phòng của Samsung tại Bắc Kinh, Nam Kinh và Tây An đã thu hẹp trong những năm gần đây do hiệu suất kinh doanh yếu kém. Theo đó, vào năm ngoái, các phòng nghiên cứu đã chứng kiến tình trạng sa thải hoặc không tiếp tục gia hạn hợp đồng.
Nhân sự và hoạt động suy giảm
Theo báo cáo của Samsung, lực lượng lao động của công ty tại Trung Quốc đạt đỉnh 63.316 nhân viên vào năm 2013. Đến đầu năm 2022, con số đó đã giảm xuống còn dưới 20.000.
Đợt cắt giảm việc làm mới nhất được lên kế hoạch ở Trung Quốc đại lục phản ánh nỗ lực không ngừng của Samsung nhằm giành lại vinh quang trong quá khứ trên thị trường, nơi hãng từng là nhà cung cấp điện thoại thông minh Android lớn nhất với 20% thị phần vào năm 2013.
Tuy nhiên, sự thành công vang dội của Samsung tại thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới đã có bước ngoặt vào cuối năm 2016, khi công ty này ngừng sản xuất vĩnh viễn điện thoại Galaxy Note 7 do lo ngại thiết bị này có thể bốc cháy.
Vào năm 2018, công ty Hàn Quốc này xếp hạng chót bảng trong số các nhà cung cấp điện thoại lớn trên thị trường, với chỉ 1% thị phần và kể từ đó vẫn gã khổng lồ công nghệ này vẫn chưa thể vực dậy trong bối cảnh các nhà cung cấp điện thoại lớn của Trung Quốc dẫn đầu là Huawei Technologies, Xiaomi, Oppo và Vivo tăng trưởng nhanh chóng.
Trong những năm qua, Samsung đã đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đại lục, bao gồm nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng ở Huệ Châu, một thành phố ở phía nam tỉnh Quảng Đông, và nhà máy sản xuất máy tính cá nhân cuối cùng ở Tô Châu, một đô thị sầm uất ở tỉnh ven biển phía đông Giang Tô.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Samsung cũng bị các đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Gần đây, Honor – một công ty tách ra từ Huawei – đã vượt qua Samsung để dẫn đầu thị trường điện thoại gập tại Tây Âu, theo dữ liệu từ công ty tư vấn ngành Counterpoint Research.
Vào tháng 7, Samsung đã phát hành tại Trung Quốc đại lục những chiếc điện thoại gập mới – Galaxy Z Fold6 và Galaxy Z Flip6 – cùng với các thiết bị đeo như Galaxy Ring, đồng hồ và tai nghe, nhưng không được đón nhận nồng nhiệt.
Tuy nhiên, Samsung vẫn là một thế lực trong ngành công nghệ toàn cầu. Công ty đã báo cáo tốc độ tăng trưởng thu nhập ròng nhanh nhất kể từ năm 2010 sau khi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đã nâng cao thu nhập tại bộ phận bán dẫn của công ty.
Nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới đã công bố mức tăng gấp sáu lần về thu nhập ròng lên 9,64 nghìn tỉ won (6,96 tỉ USD) trong quý 2, so với dự báo trung bình của các nhà phân tích là 7,97 nghìn tỉ won (6 tỉ won). Đầu tháng 7, Samsung đã báo cáo mức tăng gấp 15 lần về lợi nhuận hoạt động sơ bộ và mức tăng 23% về doanh thu, mức tăng doanh số lớn nhất kể từ năm 2021.
Theo SCMP