Sai phạm của Vinalines, Vinashin: Đâu là trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước?

Góp ý vào dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, đoàn TP. Hà Nội yêu cầu làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của kiểm toán trong dự luật này, đặc biệt là sau các vụ bê bối tại hai tập đoàn Vinashin và Vinalines.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền góp ý về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền góp ý về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước

“Chúng ta đã chứng minh rồi, trên 10 Đoàn thanh tra và 10 đoàn kiểm toán vào Vinalines, Vinashin nhưng không phát hiện ra vấn đề. Trong trường hợp cơ quan kiểm toán đã kiểm toán rồi, không phát hiện và sau đó cơ quan điều tra vào phát hiện ra tội phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước như thế nào cần phải làm rõ”, đại biểu Quyền nhấn mạnh.

Ông Quyền cũng bàn về Khoản 12, Điều 1 trong trường hợp, thẩm quyền, nhiệm vụ chuyển cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm.

“Nếu chúng ta quy định một cách chung như thế này thì không rõ được trách nhiệm của kiểm toán. Tôi đề nghị trong trường hợp Kiểm toán nhà nước trong quá trình tiến hành kiểm toán biết được hoặc pháp luật bắt buộc phải biết là có dấu hiệu tội phạm thì buộc phải chuyển, thẩm quyền này rất lớn, nếu không quy định chặt chẽ nó sẽ trở thành con ngáo ộp, người ta chỉ rung lên một cái thôi là các đơn vị chịu sự kiểm toán lại phải chạy đến sẽ sinh ra tiêu cực”, ông Quyền bình luận.

Ông Quyền nhận định, đây là thẩm quyền rất lớn, là chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm. “Biết rồi nhưng mà không chuyển hoặc pháp luật phải quy định trong trường hợp tố tụng là bắt buộc phải biết chứ không thể nói là không biết, nếu không biết là có dấu hiệu tội phạm rồi. Tôi đề nghị cái này phải quy định rất là chặt chẽ, nếu không sẽ bị lạm dụng”, ông Quyền nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng cũng cho rằng sửa Luật kiểm toán Nhà nước lần này là tăng thêm trách nhiệm, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán rất lớn.

“Tôi cho rằng chúng ta mới tăng nhiệm vụ, quyền hạn, còn trách nhiệm tôi cảm thấy chưa rõ, chưa tương xứng. Bởi vì kiểm toán xong một đơn vị nhưng mấy hôm sau người ta bị bắt, anh không chịu trách nhiệm gì”, ông Thuyền góp ý.

Ông Thuyền cũng tỏ ra bức xúc khi kiểm toán một đơn vị đưa lên sàn chứng khoán. Một thời gian người ta bể tan nát ra thì hậu quả pháp lý ở đây, tiền bạc, tài sản nhà nước của dân mất đi nhiều lắm thì chịu trách nhiệm như thế nào?

“Một doanh nghiệp mới kiểm toán và chấp hành ý kiến và sau đó đến thanh tra vào xuất toán, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hết, chứ kiểm toán chẳng chịu trách nhiệm gì. Tôi đề nghị trách nhiệm của kiểm toán phải rõ ràng”, ông Thuyền nhấn mạnh.

Ông Thuyền đưa ra ví dụ Công ty xổ số của mình ở Lâm Đồng thường xuyên thấy kiểm toán, năm nào cũng kiểm toán nhưng cuối cùng công an vào bảo làm sai. Còn làm sai, cố ý làm trái thì chắc chắn thì kiểm toán phải biết rất rõ điều này.

“Bây giờ nếu như người ta bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm hay không phải nói rõ như thế mới được, chứ không quyền lực rất mạnh, kiểm toán đến đâu người ta rất sợ, rất lo.

Bây giờ kiểm toán như thế nào đó thì phải chịu trách nhiệm. Về những vấn đề này tôi đề nghị chúng ta nên nghiên cứu kỹ để quy trách nhiệm cho kiểm toán, nếu như kiểm toán thì nhiệm vụ, quyền hạn lớn như thế thì phải gắn với trách nhiệm.

Nếu người ta làm sai nhưng anh bảo đúng, đến lúc người ta đi tù thì kiểm toán phải là đồng phạm, dứt khoát như thế mới quy rõ trách nhiệm được”, ông Thuyền đề nghị.

Còn về vấn đề đơn vị được kiểm toán là doanh nghiệp, đại biểu Thuyền đề xuất đối với doanh nghiệp trên 50% vốn nhà nước thì kiểm toán mới làm, còn dưới 15% thì do đơn vị kiểm toán độc lập làm.

“Bây giờ cứ ở đâu có hoạt động tài chính, tài sản nhà nước ở đó, Kiểm toán Nhà nước vào cũng không ổn. Bởi không làm hết được, mà cứ giao cho kiểm toán độc lập làm rồi nếu phát hiện vấn đề gì đó thì giao cho Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại”, ông Thuyền lý giải.

Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến, đoàn Hà Nam, cũng cho rằng các đơn vị cần được kiểm toán hàng năm khá nhiều. Trong khi năng lực Kiểm toán Nhà nước có hạn, không thể giải quyết đồng thời một lúc. Hơn nữa nhu cầu kiểm toán ở từng đơn vị cũng khác nhau.

Chẳng hạn đối với các dự án công trình trọng điểm quốc gia, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cần được kiểm toán thường xuyên, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực.

Trong khi đó các dự án công trình quy mô nhỏ, tuy có sử dụng vốn nhà nước nhưng nguy cơ phát sinh tiêu cực hậu quả không lớn bằng, nên nhu cầu kiểm toán không quá bức thiết.

“Nếu việc Kiểm toán nhà nước không có sự phân loại, xác định trọng tâm, trọng điểm mà cứ dàn trải dẫn đến tình trạng một vòng đời dự án có khi chỉ được kiểm toán một lần. Thậm chí đến khi dự án gần kết thúc mới tiến hành kiểm toán. Khi cơ quan kiểm toán vào cuộc mới phát hiện những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý sử dụng vốn, khi đó vừa không ngăn chặn được thiệt hại, vừa khó cho công tác quyết toán ngân sách”, đại biểu Tiến góp ý.

Do vậy theo đại biểu Tiến, Luật kiểm toán Nhà nước cần đưa ra các tiêu chí phân loại đơn vị được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước và xác định rõ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung ưu tiên.

“Có như vậy mới đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước”, đại biểu Tiến phân tích.

Theo Bizlive