Sai lệch kết quả thi tốt nghiệp THPT 2018 ở Hà Giang: Do "một đối tượng" gây ra?

VietTimes – Theo các thông tin được phản ánh những ngày gần đây, điểm số của nhiều thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 ở tỉnh Hà Giang không chỉ bất thường với mặt bằng điểm chung của cả nước mà bất thường ngay với chính thí sinh. Đích thân ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục đã phải dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT lên làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang từ ngày 14/7/2018.
Khó phát hiện sai phạm trong việc chấm thi trắc nghiệm, trừ phi sự can thiệp được thực hiện từ bài thi gốc. Biến họa của báo Thanh Niên
Khó phát hiện sai phạm trong việc chấm thi trắc nghiệm, trừ phi sự can thiệp được thực hiện từ bài thi gốc. Biến họa của báo Thanh Niên

Trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng thừa nhận là ngay sau khi dư luận xôn xao về điểm thi quá cao của tỉnh này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra thông tin và thấy có nhiều điểm bất thường.

Theo các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc xử lý phát hiện gian lận thi nói chung và thi trắc nghiệm nói riêng, để phát hiện việc có hay không tác động từ bên ngoài vào kết quả thi thì việc chấm thẩm tra là việc cần thiết phải làm. Có những phỏng đoán cho rằng sự can thiệp được thực hiện ngay từ bài thi gốc (phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh) thì sự việc sẽ phức tạp hơn trong việc giám định, tìm kiếm dấu vết gian lận (nếu có). Đây có lẽ cũng là lý do mà như lời ông Trần Đức Quý, ban chỉ đạo thi phải mời thêm các chuyên gia tin học và chuyên gia trong các lĩnh vực khác để kiểm tra, phát hiện sai phạm. Nếu như có sai phạm can thiệp từ bài thi gốc thì vấn đề sẽ hết sức phức tạp.

Vào lúc 1 giờ sáng 17/7/2018, ông Mai Văn Trinh xác nhận, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã phát hiện sai phạm trong quá trình chấm thi ở Hà Giang. Ông cũng cho biết qua đấu tranh ban đầu đã xác định được đối tượng gây ra vụ việc. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ, khi có kết quả sẽ xử theo quy định của pháp luật. Ông Mai Văn Trinh cho biết, kết quả điểm thi THPT 2018 ở Hà Giang cao lên bất thường là sai phạm do một đối tượng gây ra. Tuy nhiên ông chưa cho biết đối tượng đó là ai, ở đâu, động cơ và mục đích của đối tượng là gì, còn có ai liên quan nữa hay không… Ông khẳng định, sau khi cơ quan chức năng củng cố chứng cứ, điều tra làm rõ vụ việc, đối tượng gây ra sai phạm sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành của quy chế cũng như của pháp luật.

Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục Mai Văn Trinh cung cấp thông tin cho báo chí trong đêm. Ảnh: báo Tiền Phong
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục Mai Văn Trinh cung cấp thông tin cho báo chí trong đêm. Ảnh: báo Tiền Phong 

Được biết, hội đồng chấm thi đang nỗ lực làm việc, lịch làm việc chắc là sẽ hết đêm 17/7, theo tinh thần là nghiêm túc để trả lại những kết quả khách quan nhất của thí sinh. Theo thông tin mới nhất, nội trong ngày 17/7/2018, Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Hà Giang sẽ chính thức tổ chức họp báo để cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí.

Nhà giáo Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): Sự việc ở Hà Giang đang là chấn động lớn với xã hội và ngành giáo dục. Sẽ là quá sớm để đưa ra nhận định đầy đủ về vụ việc này. Vụ việc này hoàn toàn đi ngược lại các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đi ngược lại với chủ trương nói không với tiêu cực và nói không với bệnh thành tích của ngành giáo dục. Việc tổ chức thi cử theo phương pháp trắc nghiệm với quy trình chấm do máy tính thực hiện là rất khó có thể can thiệp, nhất là ngoài việc chấm thi bằng máy tính thì còn có sự giám sát của nhiều người. Tuy nhiên, sai phạm vẫn cứ xảy ra và theo tôi thì nếu chỉ một cá nhân sẽ không thể can thiệp vào hệ thống được. Đó là sự cố tình sai phạm và là sai phạm có tổ chức. Những sai phạm của cả một nhóm người này sẽ mang lại cho họ những lợi ích nào đó từ phía những thí sinh nằm trong sai phạm này. Theo tôi, danh sách các thí sinh nằm trong nghi vấn đa số nằm trong diện con em cán bộ, quan chức địa phương. Con em dân thường chắc chắn không có cơ hội này. Từ vụ việc này, Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng (hội đồng thi) cần rà soát lại tất cả các điểm thi trên địa bàn xem liệu có tồn tại một “Hà Giang” nữa hay không khi có sự chênh lệch giữa đỉnh và đáy về phổ điểm thi với một số môn thi ở một số địa phương. Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần có một đánh giá khách quan về kỳ thi THPT quốc gia sau 2 năm thay đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm. Ưu điểm thì chúng ta đã nói quá nhiều. Còn khuyết điểm và bất cập của nó thì rõ ràng đã có cơ hội phô diễn. Điều quan trọng hơn là ở chỗ hình thức thi trắc nghiệm ở tất cả các môn thi trừ môn Văn liệu có phải là giải pháp tối ưu để đánh giá chính xác và công bằng về chất lượng của tất cả học sinh hiện nay không? Rõ ràng, hình thức thi trắc nghiệm qua sự việc này đã bộc lộ yếu điểm của nó. Vấn đề là Bộ GD-ĐT cần phải nhìn nhận lại một cách trung thực và khách quan.  Vụ việc ở Hà Giang sẽ còn nhiều tình tiết cần được làm sáng tỏ để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh. Mong rằng tỉnh Hà Giang nhanh chóng minh bạch các sai phạm để xử lý một cách sòng phẳng nhất trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không để tồn tại những lợi ích nhóm của một nhóm người đã thao túng kết quả thi. Hình thức xử lý không thể là xử lý hành chính, cảnh cáo, phê bình, kỷ luật mà cần phải truy tố nếu như những sai phạm đó là trầm trọng.

Một phụ huynh ở TPHCM: Hà Giang là địa phương còn rất nhiều khó khăn nên không thể tin rằng học sinh ở đây lại giỏi hơn TPHCM được. Kỳ thi THPT quốc gia không chỉ để phục vụ mục đích tốt nghiệp THPT mà còn dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong cuộc đua ấy, chỉ hơn nhau 0,25 điểm thì kết quả đã khác xa nhau rồi. Do đó, chúng tôi mong rằng vụ việc ở Hà Giang phải được xử lý một cách rốt ráo, mang lại sự công bằng cho thí sinh. Đừng để cho các học sinh lớp 12 năm nay – những công dân trẻ của đất nước – mới bước vào đời đã chịu sự bất công ngay trong chính cuộc thi của mình.