Sách trắng quốc phòng Trung Quốc hé lộ tham vọng phát triển các căn cứ ở nước ngoài

VietTimes -- Theo Đa Chiều, nội dung “Hoàn thành nhiệm vụ sứ mạng của quân đội trong thời đại mới... Bù đắp  khoảng cách giữa các hoạt động ở nước ngoài và khả năng bảo đảm hậu cần, phát triển lực lượng viễn dương, xây dựng các điểm cung cấp hậu cần ở nước ngoài ...” đã được ghi rõ trong Sách Trắng quốc phòng  “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” công bố ngày 24/7.
Căn cứ hải quân Ream, nơi có thể được Trung Quốc xây dựng thành điểm cung cấp hậu cần cho hải quân
Căn cứ hải quân Ream, nơi có thể được Trung Quốc xây dựng thành điểm cung cấp hậu cần cho hải quân

Đa Chiều viết, căn cứ quân sự ở Djibuti (mà Trung Quốc gọi là “căn cứ bảo đảm hậu cần”) đã được đưa vào Sách Trắng quốc phòng toàn diện đầu tiên này. Điều đó có nghĩa là,  việc phát triển các căn cứ quân sự ở nước ngoài đã chính thức được đưa vào chương trình nghị sự của nhiệm vụ quân sự thời đại mới của Trung Quốc

Chỉ vài ngày trước khi Sách Trắng được phát hành, The Wall Strett Journal đưa tin Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật với Campuchia cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một căn cứ hải quân của Campuchia gần Sihanoukville. Đáp lại, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phủ nhận mạnh mẽ, nói “đây hiển nhiên là một tin giả”; tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 22/7, người phát ngôn báo chí Trung Quốc chỉ nói: “Tôi hy vọng phía liên quan đừng diễn giải quá mức sự hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Campuchia”. Trên thực tế, vào tháng 11/2018, khi tin đồn này được lan truyền, Trung Quốc cũng đã bày tỏ thái độ tương tự.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen bác bỏ thông tin của truyền thông Mỹ nói Campuchia cho Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên đất Campuchia
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bác bỏ thông tin của truyền thông Mỹ nói Campuchia cho Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên đất Campuchia

Cũng bởi vì thái độ không phủ nhận của Trung Quốc và sự thay đổi lập trường của Campuchia, trong thời gian này, Mỹ thường xuyên gây áp lực với chính phủ Campuchia, yêu cầu họ duy trì “cam kết hiến pháp vì dân”, độc lập về ngoại giao. Phản ứng mạnh mẽ của Mỹ thể hiện sự lo lắng của họ về địa vị của Campuchia.

Sự lo lắng này không phải là không có lý. Trong gần hai năm qua, đã có một cuộc đọ sức lực lượng giữa Trung Quốc và Mỹ ở Campuchia. Vào tháng 11 năm 2018, tại một cuộc họp nội các Campuchia được truyền trực tiếp ra ngoài qua mạng xã hội, Thủ tướng Hun Sen nói: “Tôi đã nhận được thư của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc muốn xây dựng căn cứ hải quân ở Campuchia”. Tháng 1/2019, Joseph Felter, một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề  Nam Á và Đông Nam Á đã đến thăm Căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia và bày tỏ sẽ cung cấp một khoản tiền để giúp Campuchia sửa chữa các cơ sở đào tạo và cầu tàu tại đây. Nhưng đến tháng 7, Joseph Felter thông báo: hồi tháng 6, Campuchia đã từ chối kế hoạch tài trợ của Mỹ giúp Campuchia sửa chữa căn cứ hải quân của mình và trên thực tế, Campuchia đã đồng thời chấp nhận khoản viện trợ quân sự 100 triệu đô la mà Trung Quốc cam kết cung cấp. Ngoài ra, vào đầu năm 2017, Campuchia đã hủy bỏ cuộc tập trận thường niên “Angkor Sentinel” với Mỹ được hai bên duy trì suốt 8 năm qua và tổ chức 1 cuộc tập trận chung với Trung Quốc mỗi năm kể từ năm 2016.

Hàng loạt dấu hiệu khác nhau càng làm cho người Mỹ tin rằng cái gọi là “khu thắng cảnh” được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc ở góc phía tây nam của Sihanoukville trên Vịnh Thái Lan chính là một “căn cứ quân sự” khác mà Trung Quốc phát triển ở nước ngoài. Tuy nhiên, từ những tin tức hiện có, “căn cứ” đang được xây dựng chỉ là nơi cung cấp hậu cần của Trung Quốc ở nước ngoài.

Cảng Ream là nơi đã diễn ra các cuộc diễn tập chung giữa hải quân Campuchia và Trung Quốc
Cảng Ream là nơi đã diễn ra các cuộc diễn tập chung giữa hải quân Campuchia và Trung Quốc

Trong thỏa thuận bí mật được đề cập ở trên, truyền thông Mỹ đưa tin rằng thỏa thuận này cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này trong 30 năm và sau đó sẽ tự động gia hạn sau mỗi 10 năm. Theo dự thảo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ xây dựng hai cầu tàu mới, một cho Trung Quốc và một cho Campuchia sử dụng. Trung Quốc có thể triển khai nhân viên quân sự, kho chứa vũ khí và neo đậu tàu chiến tại căn cứ này.

Tin tức cho thấy mặc dù hiện nay Mỹ và các đồng minh đang ra sức vận động Campuchia để cố gắng thuyết phục Phnom Penh hủy bỏ việc cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream. Nhưng theo tin tức trên các phương tiện truyền thông, sau khi Thủ tướng Hun Sen lần đầu phản ứng rõ ràng về vụ việc căn cứ hải quân Ream vào tháng 11/2018, tốc độ xây dựng sân bay và đường băng đã được đẩy nhanh. Trên thực tế, sự thay đổi thế lực Trung-Mỹ ở Campuchia là do trong những năm gần đây, Mỹ thường chỉ trích chính phủ Campuchia về vấn đề nhân quyền và đã không duy trì sự cân bằng tốt giữa mềm và cứng. Trong khi đó, Trung Quốc rất coi trọng chính sách với Campuchia. Có số liệu cho thấy, năm 2017, đầu tư Trung Quốc vào Campuchia tăng gấp đôi so với năm trước, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Campuchia.

Như Trung Quốc đã nêu trong Sách Trắng quốc phòng vừa ban hành, “nền kinh tế và trọng tâm chiến lược thế giới tiếp tục chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương; khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành tâm điểm của cuộc đọ sức giữa các nước lớn”... Căn cứ hải quân Ream nằm ở phía đông nam Campuchia, vùng ven biển tỉnh Sihanoukville. Xét về ý nghĩa chiến lược, việc Trung Quốc giành được quyền sử dụng căn cứ hải quân Ream có hai ý nghĩa lớn:

Một là, cung cấp hỗ trợ chiến lược để duy trì cục diện ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Đối với Trung Quốc, tầm quan trọng của việc thiết lập thêm một điểm cung cấp căn cứ hải quân ở Biển Đông lúc này là không lớn, quan trọng hơn là tác dụng chiến lược của nó. Trước đó, Trung Quốc đã xây dựng một số căn cứ quân sự ở Biển Đông. Nếu giành được quyền sử dụng căn cứ hải quân Ream gần vịnh Thái Lan, về cơ bản sẽ hình thành một mặt trận hình tam giác bao phủ toàn bộ lục địa Đông Nam Á. Một khi tình hình ở Biển Đông và eo biển Đài Loan có biến động, Trung Quốc có thể tiến hành đồng thời các hoạt động quân sự trong phạm vi này, điều này sẽ giúp tăng cường mạnh mẽ sự kiểm soát của hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, cũng sẽ giúp mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên eo biển Malacca có tác dụng chiến lược quan trọng.

Tướng Trung Quốc Hửa Hải Hoa duyệt đội ngũ hải quân Campuchia ở Ream tháng 1 năm 2019
Tướng Trung Quốc Hửa Hải Hoa duyệt đội ngũ hải quân Campuchia ở Ream tháng 1 năm 2019

Thứ hai, Trung Quốc giành được quyền sử dụng căn cứ hải quân Ream cũng là một đòn phản công chiến lược đối với Mỹ. Trước đây, Hạm đội 7 của Mỹ thống trị Biển Đông. Muốn khôi phục không gian chiến lược ở Biển Đông, Trung Quốc phải tiến hành một trận chiến trên biển với Mỹ. Trong cuộc đối đầu trên biển, ngoài sự cạnh tranh của các lực lượng quân sự, việc xây dựng chiến lược quân sự trên biển là lựa chọn thuận lợi hơn để Trung Quốc thách thức vị trí thống trị của quân đội Mỹ ở Biển Đông. Việc lựa chọn căn cứ hải quân Ream, nơi đã diễn ra các cuộc tập trận chung “CARAT” với Mỹ từ năm 2010, là một điểm hỗ trợ cho cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông.

Vào tháng 1 năm nay, 3 tàu thuộc Biên đội hộ tống thứ 30 của Hải quân Trung Quốc đã đến thăm Campuchia và thả neo tại cảng Sihanoukville trong 4 ngày. Thiếu tướng Rosana, Phó tư lệnh căn cứ hải quân Ream, khi đó đã cùng Thiếu tướng Hứa Hải Hoa (Xu Haihua), chỉ huy Biên đội hộ tống thứ 30 của Hải quân Trung Quốc vào tiến hành rà kiểm duyệt đội ngũ thủy thủ hai bên.

Trang tin Đa Chiều kết luận, căn cứ thực tế của Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc vừa được công bố, điểm tiếp theo của việc Trung Quốc “xây dựng điểm cung cấp hậu cần ở nước ngoài” chính là căn cứ hải quân Ream ở Campuchia.