|
Người Tây Tạng không chôn cất xác chết mà mời chim kền kền đến ăn để linh hồn người thân được lên trời. |
Nằm biệt lập ở độ cao từ 5000m so với mặt nước biển trên dãy Himalaya, Tây Tạng với diện tích 1,2 triệu km2 luôn luôn coi mình là một “vương quốc” độc lập và không muốn bị tác động bởi nền “văn minh” đang tàn phá thiên nhiên và môi trường của họ.
Mảnh đất Tây Tạng quanh năm bao phủ bởi núi tuyết vĩnh cửu
Cung điện Potala - chốn tu hành của các vị Đạt Lai Lạt Ma tới đời thứ 14, tượng trưng cho Phật giáo Tây Tạng và đóng vai trò gìn giữ, truyền bá văn hóa truyền thống của Tây Tạng.
Tây Tạng có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là rất lớn. Khí hậu Tây Tạng rất khô suốt 9 tháng trong năm với những dãy núi tuyết vĩnh cửu, cao từ 5.000 đến 7.000 m. Cao nguyên Tây Tạng bốn mùa trong năm đa phần bao phủ bởi sự hoang vắng, lạnh lẽo đến rợn người bởi gần như không có một loài cây nào ngoài một vài bụi cây rậm và thấp. Và gió. Gió thổi thốc ngang qua cao nguyên mênh mông khô cằn không hề gặp bất kỳ sự cản trở nào. Trên nóc nhà của thế giới, đất vô cùng hiếm. Trải dài đến vô tận chỉ là lớp đá cứng hay băng lạnh, vì vậy việc chôn cất hay hỏa táng cũng đều rất khó khăn.
Có thể vì lý do đó, cộng thêm những lý do tôn giáo nên tục lệ chôn chất người chết ở Tây tạng cũng rất đa dạng. Người Tây tạng cho rằng mặt đất ngăn cản sự tái sinh của linh hồn nên chôn cất chỉ là hình thức dành cho những kẻ phạm tội. Ngoài ra còn có hình thức hỏa táng, ném xác xuống sông và thiên táng. Trong đó thiên táng, hay còn gọi là điểu táng, là hình thức mai táng phổ biến nhất ở vùng đất này. Trong quan niệm của người Tây Tạng, ai được thiên táng là một vinh dự lớn, đó là cách con người hào phóng và từ bi hiến dâng thi thể của họ lần cuối cùng cho trời đất, cho chúng sinh và qua thiên táng linh hồn của người đã khuất sẽ được bay lên và tái sinh trở lại.
Người Tây tạng cho rằng không cần phải giữ gìn cơ thể sau khi chết, vì lúc đấy, cơ thể người chỉ như một chiếc áo rỗng mà thôi.
Có hai hình thức thiên táng cơ bản dành cho dân thường và thiên táng dành cho những nhà quý tộc hoặc người giàu có. Trong thiên táng cơ bản, xác người dân thường sẽ được đưa lên núi và để chim kền kền tự tìm đến. Còn trong cách thiên táng long trọng hơn cho người giàu có, thi thể người đã khuất sẽ được tắm rửa sạch sẽ và bọc vải trắng và đặt trong góc của nhà từ ba đến năm này. Trong thời gian đó người chết được các Lạt Ma cầu nguyện để đưa linh hồn thoát ra khỏi địa ngục. Vào ngày trước khi tiến hành chôn chất, gia đình cởi quần áo của người chết và uốn cong thân thể họ vào vị trí như một bào thai, tức là ở tư thế ngồi với đầu chạm vào gối.
Hành trình đến cõi vĩnh hằng bắt đầu từ sáng sớm, một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình sẽ đeo xác trên lưng và đoàn người bắt đầu cuộc hành trình đi lên núi. Các thành viên trong gia đình đi sau, giữ một khoảng cách nhất định với người chết để tụng kinh và chơi nhạc. Đến nơi, thi thể người chết được đặt nằm sấp xuống một phiến đá, tại đây các rogyapa (người chuyên chôn cất bằng hình thức thiên táng) sẽ bắt đầu công việc của mình bằng dao và rìu sắc bén. Tóc được cắt bỏ đầu tiên. Sau đó đến thịt cắt thành từng tảng. Các cơ quan nội tạng được xẻ thành miếng và xương được đập vỡ thành những mảnh nhỏ li ti. Khi các rogyapa bắt đầu làm việc, bách hương cũng được đốt cháy để triệu hồi đàn kền kền. Những con chim khổng lồ xấu xí bay lượn thành vòng tròn trên bầu trời, quanh xác chết để chờ đợi bữa tiệc của mình.
Đoàn người trên đường đến nơi thiên táng.
Một Lạt ma cầu nguyện trước một bầy kền kền. Trước khi tiến hành nghi lễ, các nhà sư tụng thần chú và đốt bách hương.
Người ta rải các bộ phận đã được bóc tách ra trên mặt đất. Xương vụn cũng được trộn với bột lúa mạch, trà và bơ yak để lũ chim có thể ăn hết, như vậy có nghĩa là người chết không có tội lỗi gì và linh hồn sẽ được siêu thoát hoàn toàn.
Các rogyapa bắt đầu công việc với bầy kền kền bay lượn trên đỉnh đầu.
Xương được băm nhỏ rồi trộn với bột lúa mạch, trà và bơ yak để chim có thể ăn hết.
Những con kền kền đang làm phần việc của mình.
Sau khi đàn kền kền làm xong phần việc của mình thì lễ an táng cũng đã xong. Với nhiều người đây chắc hẳn là nghi lễ đáng rùng rợn nhưng người Tây Tạng tin rằng, họ đã ăn nhiều loại động vật trong suốt cả cuộc đời của mình, nên sau khi chết, họ sẽ trở thành thức ăn cho chim kền kền để trả nợ nghiệp báo của đời người, đồng thời cứu vớt những loại động vật khác khỏi bị kền kền ăn thịt. Sau đó, khi loài chim này bay lên, linh hồn của họ cũng theo cánh chim mà bay lên cao tận tầng trời.
Theo Dân trí