Rót 200 tỷ đồng vào Bình Định Invest, OCB tiếp tục “bơm tiền” cho hệ sinh thái FLC?

VietTimes – CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Định (tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định) đã không còn được FLC Faros ghi nhận là công ty con từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nhiều khả năng vẫn thuộc “hệ sinh thái” của ông Trịnh Văn Quyết.

Theo dữ liệu của VietTimes, kể từ cuối tháng 6/2019 tới nay, CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Định (Bình Định Invest) đã thực hiện thành công 3 đợt phát hành trái phiếu, huy động được 500 tỷ đồng.

Trong đó, nửa cuối năm 2019, Bình Định Invest đã thực hiện phát hành 2 lô trái phiếu mã BDIBOND2019-01 và BIDBOND2019-02, hút về 300 tỷ đồng từ nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Các lô trái phiếu này có kỳ hạn từ 1-2 năm, loại hình không chuyển đổi, có bảo đảm và đều có lãi suất ở mức 11%/năm. Hai thương vụ phát hành trái phiếu đều được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Bảo Việt - Chi nhánh Sở Giao dịch.

Tới ngày 6/5/2020, Bình Định Invest tiếp tục thực hiện phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu. Số trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất ở mức 11,5%/năm và có tài sản bảo đảm.

Danh tính trái chủ mua trọn lô cổ phiếu được cho biết là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - Chi nhánh Khánh Hòa. Đây cũng là đơn vị bảo lãnh thanh toán cho đợt phát hành. Tham gia vào thương vụ trái phiếu còn có CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) trong vai trò tổ chức tư vân, đại lý phát hành, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.

Bản công bố thông tin của Bình Định Invest cho thấy đây mới chỉ là đợt phát hành lần 1. Do đó, không loại trừ khả năng sẽ có thêm hàng trăm tỷ đồng được rót về doanh nghiệp này.

Bình Định Invest của ai?

Theo tìm hiểu của VietTimes, Bình Định Invest được thành lập từ tháng 3/2017, ban đầu có tên là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định (FLC Faros Bình Định) do CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã CK: ROS) sở hữu 100% vốn điều lệ.

Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của FLC Faros Bình Định là bà Vũ Đặng Hải Yến. Nữ doanh nhân sinh năm 1978 cũng là người được ủy quyền đại diện cho phần vốn góp 100 tỷ đồng của ROS tại FLC Faros Bình Định. Được biết, bà Yến từng là cựu Thành viên HĐQT của ROS, đang là Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã CK: AMD).

Trở lại với FLC Faros Bình Định, doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn tại Phân khu số 6, Khu Đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn.

Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, quy mô 325.940 m2. Dự kiến sau khi hoàn thành, FLC Lux City Quy Nhơn sẽ cung cấp trên 1.000 căn villa liền kề có diện tích từ 110 - 220 m2.

Phối cảnh dự án FLC Lux City Quy Nhơn (Ảnh: FLC)
Phối cảnh dự án FLC Lux City Quy Nhơn (Ảnh: FLC)

Tới tháng 10/2018, FLC Faros Bình Định đổi tên thành CTCP Đầu tư và phát triển Bình Định như hiện tại. Bên cạnh đó, người đại diện theo pháp luật được chuyển giao lại cho Tổng Giám đốc Vũ Thị Minh Huệ (SN 1985). Không lâu sau đó, công ty này tăng vốn lên mức 500 tỷ đồng.

Đáng chú, tới thời điểm cuối năm 2018, ROS không còn ghi nhận FLC Faros Bình Định (nay là Bình Định Invest) là công ty con sở hữu 100% vốn trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán.

Tuy nhiên, Bình Định Invest nhiều khả năng vẫn nằm trong “hệ sinh thái” FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Trong 2 đợt phát hành trái phiếu của Bình Định Invest vào nửa cuối năm 2019, CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) đều là đơn vị bảo lãnh thanh toán.

Mặt khác, bà Vũ Thị Minh Huệ (CEO Bình Định Invest) hiện còn là người đại diện của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp FLC Biscom Gia Lai và một số doanh nghiệp khác như: CTCP Khoa học và Công nghệ AOS, CTCP Đầu tư Thương mại Tổng hợp Mai Vàng, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính và Quản lý Tài sản RTS (RTS).

RTS là chủ đầu tư dự án “Tòa nhà thương mại dịch vụ, đỗ xe và cây xanh (FLC Green Home)” tại số 18A đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn sở hữu chiếc Rolls-Royce Phantom màu đỏ 4 chỗ, hiện đang được thế chấp tại ngân hàng OCB - Chi nhánh Hà Nội.

Mối quan hệ giữa OCB và FLC càng được đẩy mạnh kể từ sau thỏa thuận hợp tác toàn diện vào đầu năm 2019.

Như VietTimes từng đề cập, đây là cái “bắt tay” giữa 2 vị đại gia cùng mang họ Trịnh, một bên là ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC) và bên kia là ông Trịnh Văn Tuấn (Chủ tịch OCB).

Năm 2018, FLC từng phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu cho OCB. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định năm đầu tiên là 10,3%/năm; từ năm thứ 2, lãi suất được neo vào lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân trả lãi sau, kỳ hạn 12 tháng được niêm yết công khai bởi OCB cộng biên độ 3,5%/năm.

Tài sản đảm bảo lô trái phiếu này là quyền sử dụng đất tại một số khu đất thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái FLC tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Số tiền của đợt phát hành này được sử dụng để hoàn thiện hạng mục TTTM, tháp văn phòng và tầng hầm của dự án Công trình hỗ hợp nhà ở văn phòng và TTTM tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội (FLC Twin Towers).

Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết còn thế chấp lượng lớn cổ phần của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại ngân hàng OCB./.