Như VietTimes đã đưa tin, vào đầu tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) với hạn mức tăng thêm dao động từ 0,7% - 4,0%.
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán KB (KBSV), trong trường hợp các ngân hàng sử dụng hết mức ‘room’ tín dụng mới thì tín dụng toàn ngành sẽ tăng khoảng 13,2% so với đầu năm, thấp hơn mục tiêu cả năm là 14%.
Do đó, KBSV cho rằng NHNN có thể có thêm một đợt nới ‘room’ tín dụng nữa vào tháng 11 với mức tăng thêm dao động từ 0,5% – 1,2%. Tuy nhiên, nhóm phân tích không quá kỳ vọng vào đợt nâng này do NHNN vẫn rất kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát và tỷ giá.
Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá đợt phân bổ tín dụng mới đây của NHNN là khá thận trọng, đồng thời cho rằng NHNN có thể có thêm một đợt nới ‘room’ tín dụng nữa trong nửa sau của quý 4/2022.
Tương tự, CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho rằng NHNN sẽ cần một đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng khác trước khi kết thúc năm 2022 để đạt được mục tiêu tăng trưởng 14%.
Còn theo CTCP Chứng khoán SSI (SSI), trong đợt điều chỉnh vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường và dư địa để NHNN sẽ có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.
Ở chiều hướng ngược lại, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, sẽ ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm 2022.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2022 ngày 23/9, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết NHNN đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022 có thể xem xét điều chỉnh khi cần thiết.
Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh từ nay đến cuối năm, mục tiêu kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất. NHNN đang theo dõi giám sát, đánh giá kịp thời tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, không chỉ cho năm 2022 mà còn tạo tiền đề kiểm soát tín dụng một cách hợp lý, phù hợp, hiệu quả cho năm 2023 – được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn./.