Rò rỉ tài liệu cho thấy Apple biết rõ iPhone 6/6 Plus dễ bị uốn cong nhưng giấu nhẹm đi

VietTimes – Vào tháng 9 năm 2014, vài ngày sau khi Apple cho lên kệ bộ đôi siêu phẩm iPhone 6 và iPhone 6 Plus, một số chủ sở hữu điện thoại phàn nàn rằng điện thoại bị cong khi họ nhét trong túi quần. Apple phản ứng với điều này bằng cách gọi sự dễ bị uốn cong là “cực kỳ hiếm hoi”.
Có thể bẻ cong iPhone 6 bằng tay (ảnh 9to5Mac)
Có thể bẻ cong iPhone 6 bằng tay (ảnh 9to5Mac)

Apple nói rằng họ đã thử nghiệm trên cả iPhone 6 và iPhone 6 Plus các tác động vặn, xoắn, áp lực khi ngồi, khi đi xe đạp và không thấy có điểm yếu nào. Apple nói rằng chỉ có 9 khách hàng than phiền về iPhone của họ bị bẻ cong.

Theo một tài liệu từ tòa án mới bị rò rỉ, Apple đã biết rằng iPhone 6 có khả năng bị uốn cong cao gấp 3 lần so với iPhone 5s, còn iPhone 6 Plus thậm chí còn dễ bị uốn cong hơn 7,2 lần. Các tài liệu này vốn đã được niêm phong, nhưng thẩm phán tòa án cấp quận Hoa Kỳ Lucy Koh đã quyết định công khai khi bà phải phải giải quyết vụ kiện liên quan đến màn hình cảm ứng của iPhone bị “đơ” bắt nguồn từ việc máy dễ bị uốn cong.

Một số người dùng sau khi mua iPhone 6 và iPhone 6 Plus đã gặp phải tình trạng màn hình cảm ứng bị đơ. Nguyên nhân là do mối hàn của chip điều khiển màn hình cảm ứng bị lỏng do điện thoại bị uốn cong. Người ta gọi lỗi này là “Touch Disease” (Bệnh Cảm ứng). Ngoài ra, trên màn hình còn hiển thị một thanh ngang màu xám nhấp nháy. Apple đổ lỗi rằng tình trạng này do người dùng làm rơi điện thoại nhiều lần, và rằng hai mẫu điện thoại iPhone 6/iPhone 6s không có vấn đề gì về mặt kỹ thuật. Mặc dầu vậy, Apple đã âm thầm gia cố cho lớp vỏ kim loại của những chiếc iPhone 6/6 Plus xuất xưởng sau này để nó trở nên cứng cáp hơn.

Sau đó, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình lên tòa án Mỹ để yêu cầu Apple bồi thường bởi lỗi “Touch Disease”. Apple đã thông báo rằng hãng sẽ sửa chữa lỗi này với giá 149 USD. Mặc dù Apple thừa nhận rằng lỗi này là có thật, nhưng “Táo khuyết” vẫn khăng khăng rằng lỗi này là do người dùng làm rơi điện thoại xuống bề mặt cứng.

Tòa án Mỹ đã bác bỏ các lý lẽ mà nguyên đơn đưa ra. Phía nguyên đơn nói rằng họ sẽ kháng cáo quyết định của thẩm phán Koh hoặc yêu cầu bà xem xét lại phán quyết của mình. Trong khi đó, các tài liệu của tòa án cho thấy rõ ràng Apple đã nhận ra rằng iPhone 6 và iPhone 6 Plus dễ bị uốn cong. Chính vì vậy mà trong năm sau đó, khi sản xuất iPhone 6s và 6s Plus, Apple đã sử dụng loại nhôm 7000 (cùng loại được sử dụng trong sản xuất máy bay) để gia cố cho bộ vỏ.