Rác thải nhựa từ thương mại điện tử Việt Nam tăng chóng mặt

VietTimes – Theo một nghiên cứu do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện, năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam đã sử dụng 170 nghìn tấn bao bì, vật liệu nhựa các loại.

Với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) trung bình trên 25% mỗi năm, có thể thấy tới năm 2030 lượng rác thải nhựa phát sinh từ TMĐT ở Việt Nam sẽ rất lớn. Tác động xấu tới môi trường không dừng ở quy mô rác thải nhựa mà còn ở vị trí và tính chất của rác thải.

Thứ nhất, phần lớn TMĐT tập trung ở các thành phố lớn ven sông, biển như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang làm tăng nguy cơ rác thải nhựa đổ trực tiếp ra biển.

Thứ hai, bao bì, vật liệu nhựa sử dụng trong TMĐT chủ yếu là túi nilon và các dụng cụ nhựa như ống hút, thìa dĩa, hộp xốp... Đây là các sản phẩm nhựa khó phân huỷ sinh học và dùng một lần.

Thứ ba, hầu hết các bưu kiện hàng hoá do tiểu thương trực tiếp đóng gói nên công nghệ lạc hậu và không chú trọng tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Công Thương, sản lượng ngành nhựa Việt Nam năm 2022 đạt 9,54 triệu tấn, với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm của nhu cầu nhựa trong nước là 10,6%. Vì nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu nên 77% lượng nhựa tái chế được nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam hiện đang là nước nhập khẩu phế liệu nhựa lớn thứ 3 sau Malaysia và Hong Kong với gần 290.000 tấn nhựa nhập khẩu trong năm 2019.

Giảm thiểu các sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy trong thương mại điện tử là việc làm cấp thiết, hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Các chính sách giảm thiểu rác thải nhựa chưa được thương nhân quan tâm

Điều 64 Nghị định 08/2022 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra quy định rất chặt chẽ về rác thải nhựa. Theo đó, từ ngày 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân huỷ sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định này.

Sau 31/2/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm vi nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học (gồm túi nilon khó phân huỷ sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), mặc dù thời hạn 01/01/2026 đã đến gần, nhưng rất ít doanh nghiệp TMĐT và thương nhân biết tới và có kế hoạch phù hợp để sử dụng các bao bì, vật liệu thay thế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán "Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa". Thoả thuận này có tính ràng buộc pháp lý, dự kiến sẽ được các nước thành viên Liên Hợp quốc thông qua vào cuối năm 2024. Thỏa thuận sẽ có tác động toàn diện, không chỉ tới việc giảm ô nhiễm nhựa mà còn tới mọi hoạt động kinh tế xã hội, bao gồm TMĐT.

Theo quan sát của VECOM, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế số và TMĐT cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến hầu như chưa quan tâm tới tiến trình đàm phán thỏa thuận này.

Kiến nghị của VECOM

Để bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa, từ năm 2023, VECOM đã đưa ra một số đề xuất bao gồm:

Thứ nhất, khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, kinh tế số và môi trường ban hành chính sách và văn bản pháp luật nhằm giảm tác động xấu của lĩnh vực kinh doanh số tới môi trường.

Thứ hai, phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và nền tảng kinh doanh trực tuyến nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của hoạt động kinh doanh trực tuyến tới môi trường.

Thứ ba, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường tới các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, khuyến khích doanh nghiệp triển khai các giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn, mua sắm xanh, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Thứ tư, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, bao gồm các tổ chức quốc tế, triển khai hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về vai trò, sức mạnh của họ trong việc góp phần giảm thiểu tác động xấu tới môi trường khi mua sắm trực tuyến.

Thứ năm, hợp tác với một số trường đại học trong việc khuyến khích sinh viên ngành TMĐT tham gia nghiên cứu khoa học về chủ đề bảo vệ môi trường trong kinh doanh số. Tổ chức các sự kiện hấp dẫn, thu hút sự tham gia của sinh viên trong việc đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động xấu của TMĐT tới môi trường.

Đối với đề xuất này, một số hoạt động đã được triển khai trên thực tế. Chẳng hạn như nội dung “Thương mại điện tử Xanh - Giảm nhanh rác thải nhựa" trong cuộc thi Sinh viên tài năng kinh doanh số 2023 do VECOM tổ chức đã thu hút hơn 70 đội thi từ hàng chục trường đại học trên cả nước. Nhiều đội thi đã đề xuất những giải pháp sáng tạo nhằm giảm bao bì, vật liệu nhựa trong bán lẻ trực tuyến và dịch vụ giao đồ ăn công nghệ.

Hiện tại, một số công ty công nghệ đã tham gia vào lĩnh vực hỗ trợ thu mua và tái chế rác thải bao bì nhựa thông qua các ứng dụng (app). Chẳng hạn, app GRAC của công ty GRAC hỗ trợ cho các địa phương và công ty thu gom rác thải, kết nối các bên để thu gom rác thải nhựa, rác tái chế và các loại rác thải khác, cung cấp dịch vụ thu hộ tiền rác cho hộ gia đình và chủ nguồn thải tại Việt Nam.

App VECA – Ve chai công nghệ kết nối mọi chủ thể trong hệ sinh thái tái chế. Đối với người bán và người thu mua ve chai, ứng dụng VECA hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, quản lý phế liệu. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí cho người thu mua và người bán. Ở phạm vi công nghiệp, VECA hỗ trợ thu mua ve chai phế liệu công nghiệp, kết nối trực tiếp với các trạm xử lý, nhà máy tái chế nhằm thúc đẩy phân loại rác thải, thu gom và tái chế.