Quyết định tấn công Iran: Câu chuyện đằng sau Phòng Tình huống

VietTimes -- Sự xung đột giữa những luận điệu hay gây gổ và kiểu chính sách ngoại giao không can thiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã được thể hiện rất rõ ràng vào chiều hôm thứ Năm trong tuần, khi ông lao vào Phòng Tình huống để ra một quyết định quan trọng.
Tổng thống Trump rút quyết định tấn công Iran ngay vào phút chót (Ảnh: AP)
Tổng thống Trump rút quyết định tấn công Iran ngay vào phút chót (Ảnh: AP)

Các nhà lập pháp Mỹ có mặt trong Phòng Tình huống đã quan sát từ đầu đến cuối và hiểu rõ gánh nặng trách nhiệm của vị Tổng tư lệnh quân đội. Ông Trump không hề nghiêng về một ý kiến nào, thay vào đó tập trung "đào sâu" các quan điểm, luận điểm khác nhau mà các nhà lập pháp đưa ra - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện James Risch kể lại. Nhưng có điều rất rõ ràng ở đây là, ông Trump là một vị Tổng thống "không muốn lao vào một cuộc chiến tranh".

"Tôi thực sự thấy Tổng thống có vẻ khổ sở về vấn đề này. Tất cả đều dồn vào một người đàn ông" - ông Risch kể lại với các phóng viên.

"Tổng thống thực sự vật lộn với điều đó" - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith cho hay.

Và tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ông Trump gặp phải lúc đó bắt nguồn từ một đội an ninh quốc gia gần như giấu mặt, những người cảm thấy rằng Mỹ nên đáp trả vụ Iran bắn hạ một máy bay không người lái tối tân của họ bằng cách tấn công nhiều mục tiêu của Iran. Và đối với Tổng thống, câu trả lời đã quá rõ ràng - cuối cùng ông "bật đèn xanh" cho chiến dịch quân sự nhằm vào Iran, để rồi sau đó rút lại quyết định này vào thời điểm chỉ vài phút trước khi chiến dịch này không thể đảo ngược.

Một vị quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, trong suốt quá trình đưa ra quyết định, ông Trump thực sự rất nghiêm túc và tập trung. Ông hiểu rất rõ rằng phía quân đội không thể đưa ra dự báo giúp ông về cách mà Iran có thể đáp trả đối với một đòn tấn công quy mô như vậy, trong khi chính quyền của ông cũng rất quan ngại về việc khởi động một cuộc chiến toàn diện hơn.

Trong khi, giới chức quốc phòng Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi ông Trump rút lại quyết định tấn công, bởi sự bất trắc của nó. Vào cuối ngày, rất nhiều người nói họ tin rằng các đòn tấn công của Iran nhằm vào các tàu chở dầu và máy bay không người lái của Mỹ căn bản chỉ là một thông điệp mà nước Cộng hòa Hồi giáo muốn nói và họ đang nói với Tổng thống về điều này.

Đến hôm thứ Sáu trong tuần, câu chuyện này chuyển sang bàn về đòn trừng phạt.

"Chúng ta có thêm loạt đòn trừng phạt để áp đặt. Chúng ta chắc chắn có thêm nhiều đòn trừng phạt" - một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nói trước báo giới hôm thứ Sáu - "Tôi không nói Tổng thống đang tính về các lựa chọn quân sự. Điều mà chúng tôi nghĩ tới là thêm các đòn trừng phạt".

Tuy nhiên, vị quan chức này cảnh báo rằng Tổng thống cũng không loại trừ các lựa chọn quân sự. "Đó là một lựa chọn mà Tổng thống luôn giữ sẵn trên bàn, vào mọi thời điểm" - vị quan chức cho hay.

Những diễn biến dồn dập

Tổng thống Trump vẫn đang đau đầu với cách thức đáp trả vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, khi ông phát biểu trước báo giới tại Phòng Bầu dục hôm thứ Năm.

"Các bạn sẽ biết thôi" - ông Trump cảnh báo, khi nhận câu hỏi rằng ông sẽ phản ứng ra sao trước vụ máy bay bị bắn hạ - "Họ đã gây ra một sai lầm rất lớn".

Nhưng khi bị thúc ép phải đưa ra câu trả lời chi tiết hơn, ông Trump giải thích rằng ông không coi "sai lầm" đó là một tính toán sai lầm chiến lược mà Iran phải trả giá, thay vào đó là một sai lầm kiểu khác: Một lỗi lầm gây ra không có chủ ý.

"Tôi thấy khó tin được rằng lỗi lầm này là có chủ đích" - ông Trump nói - "Tôi nghĩ có thể do ai đó quá ngốc ngếch và tùy tiện".

Tâm lý dè dặt đó cứ theo đuổi ông Trump suốt cả ngày hôm đó, khi ông liên tục họp bàn cùng đội ngũ an ninh quốc gia để cân nhắc hàng loạt lựa chọn đáp trả của Mỹ. Và sau khi đã sa thải những vị cố vấn từng cảnh báo ông về hậu quả của việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H.R.. McMaster - ông Trump nhận ra rằng xung quanh ông toàn là những người có quan điểm diều hâu về vấn đề Iran.

Đứng đầu trong số đó là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, người liên tục thúc giục ông Trump tiến hành các đòn tấn công quân sự - một quan chức chính quyền Mỹ tiết lộ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Tổng thống Mike Pence cũng ủng hộ lựa chọn này.

Và nhóm này đưa ra một lựa chọn tấn công cho Tổng thống: Tấn công 3 mục tiêu quân sự của Iran - gồm các hệ thống radar và dàn phóng tên lửa - trong đòn tấn công phối hợp trước thực hiện vào thời điểm rạng sáng.

Nhóm cố vấn an ninh quốc gia này tin rằng đòn tấn công quân sự "là cách đáp trả hợp lý" trước việc Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.

"Các cố vấn của Tổng thống và giới lãnh đạo Bộ quốc phòng đều nhất trí cao về đòn đáp trả phù hợp với các hoạt động của Iran" - vị quan chức giấu tên cho hay - "Và Tổng thống đã đưa ra quyết định cuối cùng".

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton (phải) là người kêu gọi thực hiện đòn tấn công Iran mạnh mẽ nhất (Ảnh: Independent)
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton (phải) là người kêu gọi thực hiện đòn tấn công Iran mạnh mẽ nhất (Ảnh: Independent)
 

Nhiều luồng ý kiến trái ngược

Ông Trump không chỉ nghe ý kiến của đội ngũ an ninh quốc gia của ông trong lúc đưa ra lựa chọn, mà còn nói chuyện với các cố vấn bên ngoài, các thành viên thân tín trong Quốc hội - những người luôn nhắc ông về cam kết kéo Mỹ ra khỏi các cuộc chiến không hồi kết ở Trung Đông và nên kiềm chế.

Nhưng khi buộc phải đưa ra quyết định, ông Trump một lần nữa bị vây quanh bởi những vị cố vấn luôn khuyến khích ông áp quan điểm cứng rắn hơn với Iran - từ việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này - và là những người giờ đang thúc giục Mỹ reo rắc hậu quả cho Iran vì dám bắn hạ máy bay không người lái của họ.

Trong lúc thúc giục thực hiện tấn công đáp trả, ông Bolton cùng nhiều quan chức khác nói với Tổng thống rằng, thất bại trong việc trừng phạt Iran trong vụ bắn hạ máy bay không người lái sẽ bị xem là thứ "giấy phép" để Iran và nhiều nước khác tiếp tục các hành động khiêu khích. Trong các cuộc tranh luận với ông Trump, vấn đề rủi ro trong việc thực hiện đòn tấn công cũng được nêu ra - thế nhưng nó được mô tả như hậu quả không mong muốn phát sinh từ một hành động cần thiết.

Và cuối cùng ông Trump quyết định thực hiện chiến dịch tấn công.

Trong khoảng thời gian từ 19h00 đến 20h00 tối hôm thứ Năm (giờ Mỹ), lực lượng quân đội Mỹ hoạt động ở Trung Đông đã hoàn tất bước chuẩn bị cuối cùng cho đòn không kích, ông Trump gặp gỡ các cố vấn và quan chức quốc phòng thêm lần chót. Đó là cơ hội cuối cùng của Tổng thống để rút lại quyết định tấn công.

"Khoảng nửa giờ trước khi thực hiện" - ông Trump kể lại - "Và họ nói với tôi rằng: "Thưa ngài, chúng tôi đã sẵn sàng. Hãy ra quyết định". Và tôi nói: "Tôi muốn biết một điều trước khi các anh xuất kích. Có bao nhiêu người sẽ chết, trong trường hợp này là người Iran?"".

"Và họ nói rằng: "Thưa ngài, khoảng 150 người"" - ông Trump kể lại trong buổi phỏng vấn với NBC - "Và tôi nghĩ về điều đó trong đôi lúc, và nói: "Các anh biết gì không? Họ bắn hạ một máy bay, máy bay không người lái, gọi nó là gì cũng được. Và giờ chúng ta đang ngồi với 150 xác chết"".

"Tôi không thích điều đó. Tôi không nghĩ rằng điều đó là tương xứng" - ông Trump nói.

Tổng thống Trump tin rằng một chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ không thể là cớ để thực hiện đòn tấn công có thể khiến 150 người thiệt mạng (Ảnh: DailyMail)
Tổng thống Trump tin rằng một chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ không thể là cớ để thực hiện đòn tấn công có thể khiến 150 người thiệt mạng (Ảnh: DailyMail)

Quyết định hủy chiến dịch tấn công chỉ vài phút trước khi nó được khởi động xuất phát từ mối quan ngại của ông Trump về khả năng gia tăng xung đột với Iran thành một cuộc chiến - ông Trump từng so sánh với cuộc chiến ở Iraq và thường xuyên chỉ trích nó.

Nhiều cố vấn của Tổng thống nói rằng, trong hôm thứ Sáu, ông Trump cảm thấy hoàn toàn hài lòng với quyết định phút chót của ông. Ông Trump dường như cũng cảm thấy hài lòng khi đi ngược lại lời khuyên của đội ngũ cố vấn an ninh của ông - những người mà ông từng chỉ trích vì muốn lôi kéo ông vào một cuộc chiến tranh.

Nhưng dù ông Trump rất tự tin rằng ông đã đưa ra quyết định đúng đắn, ông vẫn không nói rõ tại sao ông chỉ được biết về con số người thiệt mạng ngay trước khi chiến dịch sắp diễn ra.

Được biết, con số thương vong dự đoán được giới chức quân sự đưa ra ngay khi đề xuất các lựa chọn phản ứng với Tổng thống, và một quan chức Nhà Trắng nói rằng ông Trump đã được thông báo về ước tính số người chết từ lâu trước khi ông đề nghị giới chức quân đội đưa ra con số vào ngay trước giờ tấn công. Không rõ liệu có phải ông Trump không để ý về con số này hay không, dù nó đã được thông báo từ sớm.

Một quan chức chính quyền khác khẳng định rằng ông Trump đã nhận được thông báo về ước tính con số thương vong từ sáng hôm thứ Năm, "ông ấy đưa ra quyết định khi đã nắm rõ về con số thương vong".