Quốc hội nhất trí lùi Luật Đặc khu, kêu gọi nhân dân bình tĩnh, tránh ngộ nhận

VietTimes – Đầu giờ sáng 11/8, Quốc hội đã biểu quyết lùi thời gian thông qua dự án Luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) với 85,63% số đại biểu tán thành. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Quốc hội kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào quyết định của Đảng, Nhà nước".
Phiên họp Quốc hội sáng 11/6. Ảnh: Quốc hội
Phiên họp Quốc hội sáng 11/6. Ảnh: Quốc hội

Hiện, cổng thông tin điện tử của Quốc hội đã phát đi thông cáo về việc lùi thời gian thông qua luật này.

Trước đó, Chính phủ đã có tờ trình tới Quốc hội, xin lùi thời gian thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (hay còn gọi tắt là Luật Đặc khu) từ kỳ họp thứ 5 đang diễn ra sang kỳ họp thứ 6. Đồng thời, không quy định trường hợp đặc biệt cho thuê đất tại đặc khu kéo dài đến 99 năm, mà thực hiện theo Luật Đất đai.

Theo ý kiến của Bộ trưởng KHĐT và sau đó là Thủ tướng Chính phủ, có một số quan điểm hiểu không đúng về dự án Luật Đặc khu.

Trong thời gian trước đó và đặc biệt 2 ngày cuối tuần qua, có nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia đề nghị không qua đề xuất quy định cho thuê đất tại các đặc khu tới 99 năm.

Đã xuất hiện vài cuộc tập trung đông người tại một số địa phương. Hiện chưa có xác nhận từ cơ quan nhà nước nào về việc một số cuộc tập trung đông người này là có liên quan tới việc thông qua dự án luật đặc khu.   

Kết quả biểu quyết về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sáng 11-6 (Ảnh Tuổi trẻ)
Kết quả biểu quyết về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua
dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sáng 11-6 (Ảnh Tuổi trẻ)

Tại phiên họp Quốc hội sáng 11/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đúng là trong ngày cuối tuần đã xảy ra tình trạng rất đông người dân tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại một số địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua đây thấy việc Quốc hội, đại biểu Quốc hội đang bàn ở hội trường đã lan tỏa ra xã hội, chỉ đáng tiếc vấn đề đó  bản chất đã làm cho nhân dân không hiểu đúng bản chất  của sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu lầm vấn đề nên đã có những hành động quá khích  và cũng không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng trong việc này để gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội “kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt các dự án luật mà Quốc hội đang thảo luận là luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân và tất cả những ý kiến đóng góp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết cá nhân bà cũng nhận được thư của đại biểu quốc hội. Chủ tịch đánh giá đó là những đóng góp rất tâm huyết, có trách nhiệm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi “trong phát ngôn của chúng ta đừng tạo ra thêm, tự tìm sự ngộ nhận nào nữa, và sự ngộ nhận đó lan ra ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình của đất nước”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Vietnamnet
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Vietnamnet 

Cũng tại phiên họp sáng 11/8, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đặc khu. Theo đó, qua tổng hợp ý kiến cho thấy đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cho rằng dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với hiến pháp.

Tuy nhiên, dự án Luật Đặc khu là luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ - ông Định đánh giá.

Đồng thời, trong nội dung dự thảo luật có nhiều quy định về cơ chế, chính sách là “mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp”.

Bên cạnh đó, ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau – báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết.

Cũng theo báo cáo này, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ sẽ chỉnh lý quy định của dự thảo luật này.

Theo đó, thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh sẽ áp dụng theo quy định của Luật đất đai hiện hành, và không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm như đề xuất tại dự thảo.

Để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6  sẽ tổ chức vào tháng 10/2018).