Quốc hội lo thiếu người, lệch cơ chế giám sát tài sản cán bộ

VietTimes -- Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi luật này, có khá nhiều đại biểu lo ngại đề xuất tại dự thảo có thể khiến thiếu nhân lực và lệch cơ chế giám sát tài sản cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Nguồn: Quốc hội
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Nguồn: Quốc hội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Sau đó, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi luật này.

Có thể xử lý hình sự chủ tài sản bất minh 

Trước đó, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý 2 phương án xử lý tài sản cán bộ thuộc diện phải kê khai đã chỉnh lý theo đề nghị của đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).

Cụ thể, để xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, phương án thứ nhất thu thuế thu nhập cá nhân đối với người kê khai không trung thực.

Phương án thứ hai là xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập kê khai không trung thực.

Như vậy, cả hai phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực đều đề xuất áp dụng các biện pháp hành chính, như thu thuế hoặc xử phạt. Điều này cũng có nghĩa quyền (khiếu nại, khởi kiện) của người có tài sản bị kết luận là bất minh và phải chịu chế tài được bảo đảm.

Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định, dù đã xử lý hành chính như thu thuế hay xử phạt thì vẫn có thể vẫn xem xét trách nhiệm hình sự của chủ tài sản bất minh, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Theo báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi do chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày, đa số ý kiến các đại biểu đồng ý với phương án 2 tại dự thảo. Nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn lưu ý truyền thống tiết kiệm tích lũy tài sản của người dân, trong đó có cán bộ, công chức. Bà Nga nhấn mạnh, ngoài thu nhập từ lương thì nhiều cán bộ, công chức còn làm thêm để tăng thu nhập.

Mặt khác, cũng theo báo cáo thẩm tra, pháp luật hiện chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn… Nhà nước cũng chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Dẫn những thực tế này, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận xét, tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề phức tạp.

Một hay nhiều cơ quan kiểm soát tài sản ?

Cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã bổ sung nhiều trường hợp bắt buộc phải xác minh tài sản, thu nhập. Nhưng do thế, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (hệ thống cơ quan thanh tra) sẽ có thêm nhiều nhiệm vụ mới trong xác minh tài sản, thu nhập, trách nhiệm tham gia tố tụng (nếu có).

Từ đây, việc giao cho một đầu mối cơ quan kiểm soát là khó khả thi. Vì chỉ với nguồn nhân lực của các cơ quan thanh tra hiện nay cũng đã quá tải trong thực hiện chức năng thanh tra. Để thực hiện thêm nhiệm vụ như quy định tại dự thảo cần thêm biên chế. Nhưng nếu tăng thì lại không đúng với nghị quyết của Đảng về thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Mặt khác, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, việc giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan Đảng, Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TAND, VKSND là chưa phù hợp với cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức hệ thống chính trị và phân cấp quản lý cán bộ hiện nay. 

Trước đó, trình bày báo cáo chỉnh lý dự án luật này, Tổng thanh tra Lê Minh Khái cho biết, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo sửa đổi không nên quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, mà thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhưng cũng có ý kiến tán thành với quy định này.

Như vậy có thể thấy, việc xác định một, hay nhiều cơ quan tham gia việc giám sát tài sản của những người thuộc diện phải kê khai hiện vẫn chưa thống nhất. Trong khi đây lại là điều quyết định tới sự thành công của Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi khi được thông qua.

Thực tế, ngày 15/5, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 01-QDi/TW, quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công tác phòng chống tham nhũng.

Theo đó, quy định này cho phép Ủy ban Kiểm tra được đề nghị tổ chức, trưng tập cán bộ các cơ quan đảng và nhà nước vào các đoàn kiểm tra chống tham nhũng, có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh, hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.

Yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản.

Như vậy, một cách gián tiếp, Ủy ban Kiểm tra Đảng cấp huyện trở lên đã được cấp quyền tương tự cơ quan giám sát tài sản. Và yêu cầu đặt ra là dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần lưu ý để có tính tương thích, thống nhất với quy định này.