Quốc hội kỳ này chưa phê chuẩn, miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thư ký Quốc hội cho biết trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an nên kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày mai sẽ chưa phê chuẩn, miễn nhiệm chức danh này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sáng 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên trù bị và khai mạc trọng thể ngày mai (20/5), dự kiến bế mạc ngày 28/6, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội).

Kỳ họp thứ 7 tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6. Tổng thời gian làm việc của kỳ họp dự kiến 26,5 ngày.

"Trong thiết kế chương trình, dự kiến cuối giờ sáng ngày 20/5, sẽ bắt đầu tiến hành công tác nhân sự và đến sáng 22/5, sẽ hoàn thành công tác nhân sự" - ông Cường thông tin và nói thêm rằng Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó sẽ bầu Chủ tịch nước theo quy định.

Đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng thư ký Quốc hội thông tin trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an nên kỳ họp Quốc hội này chưa phê chuẩn, miễn nhiệm với chức danh này.

Dẫn ví dụ về trường hợp ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng nhưng vẫn giữ chức Bộ trưởng một thời gian, Tổng thư ký Quốc hội cho biết hiện nay, cơ quan có thẩm quyền chưa có giới thiệu nhân sự mới nên "chương trình Kỳ họp thứ 7 chưa có nội dung phê chuẩn hay miễn nhiệm với chức danh Bộ trưởng Bộ Công an”, ông Bùi Văn Cường cho biết.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp). Quốc hội cũng xem xét, thông qua 3 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật khác.

Về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Văn phòng Quốc hội đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền việc thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị; những nội dung chính đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Trước đó, sau phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 9 sáng 18/5, các lãnh đạo chủ chốt đã họp để nghe đánh giá tình hình công việc của đất nước trong thời gian vừa qua và tập trung cho ý kiến chỉ đạo để triển khai công việc trong thời gian tới theo kết luận Hội nghị Trung ương 9 đã đề ra.

Đây là cuộc họp lãnh đạo chủ chốt đầu tiên sau khi Hội nghị Trung ương 9 đã thông qua một số nội dung quan trọng và giới thiệu nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu 2 Uỷ viên Bộ Chính trị là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.