|
Một người phụ nữ đi ngang qua các tấm áp phích in hình Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với dòng chữ "Tội phạm nổi dậy Yoon đã kết thúc" tại một ga tàu điện ngầm ở Seoul vào ngày 9/12. Ảnh: AFP. |
Theo Hãng tin Yonhap, ngày 10/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu bắt giữ khẩn cấp 8 nhân vật chủ chốt, bao gồm Tổng thống Yoon Suk Yeol, liên quan đến việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp hồi tuần trước.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, chính quyền Hàn Quốc đã cấm thêm nhiều quan chức hàng đầu rời khỏi đất nước trong hôm 10/12, sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Yoon.
Một ngày sau khi ông Yoon bị cấm xuất cảnh, đảng của ông đã xây dựng một "lộ trình từ chức" được cho là có thể khiến ông từ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau, trước cuộc bầu cử mới. Các nhà lập pháp Hàn Quốc cũng thông qua dự luật bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra ông Yoon.
Ông Yoon đã tuyên bố áp đặt thiết quân luật vào ngày 3/12 và gửi lực lượng đặc biệt cùng máy bay trực thăng tới Quốc hội, trước khi các nhà lập pháp buộc ông phải hủy bỏ sắc lệnh này.
Tổng thống và một nhóm đồng minh của ông - nhiều người học cùng trường với ông – đang bị điều tra vì cáo buộc nổi dậy sau chuỗi các sự kiện bất thường.
Hãng tin Yonhap hôm 10/12 dẫn lời ông Cho Ji-ho, tổng ủy viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, và hai quan chức cảnh sát hàng đầu khác cũng đã bị cấm xuất cảnh. Chịu lệnh giới hạn trong lãnh thổ Hàn Quốc còn có các cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ, tướng chỉ huy thiết quân luật Park An-su và chỉ huy lực lượng phản gián quân đội Yeo In-hyung.
Ông Kim Yong-hyun, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã bị bắt giữ trong hôm 8/12 và các công tố viên vào cuối hôm 9/12 đã đệ trình lệnh bắt giữ chính thức đối với ông.
Các cáo buộc bao gồm "tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng trong cuộc nổi dậy" và "lợi dụng quyền lực để cản trở việc thực thi quyền".
Một tòa án ở Seoul sẽ tổ chức phiên điều trần trong hôm thứ Ba tuần sau để quyết định xem có nên ban hành lệnh bắt giữ ông Kim hay không. Ông Kim đã đưa ra một số bình luận tỏ ý ăn năn, nói rằng "mọi trách nhiệm về tình huống này chỉ thuộc về tôi".
Ông cũng gửi lời "xin lỗi sâu sắc" với người dân Hàn Quốc và nói rằng cấp dưới của ông "chỉ làm theo mệnh lệnh của tôi và hoàn thành nhiệm vụ được giao", trong một tuyên bố thông qua luật sư của ông.
"Cuộc đảo chính thứ hai"
Ông Yoon đã sống sót sau nỗ lực luận tội tại Quốc hội hôm 7/12 khi hàng chục nghìn người dân bất chấp nhiệt độ lạnh giá để đổ ra đường kêu gọi lật đổ ông. Các nhóm dân sự đã tổ chức thêm các buổi cầu nguyện dưới ánh nến trên khắp đất nước trong hôm đầu tuần này, trong đó hàng nghìn người đứng bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Seoul.
Đề nghị này đã thất bại sau khi các thành viên trong đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon bước ra khỏi tòa nhà Quốc hội, khiến cho đề xuất luận tội không thể có đủ số phiếu cần thiết.
PPP nói rằng ông Yoon, 63 tuổi, đã đồng ý trao quyền lực cho Thủ tướng và lãnh đạo đảng, khiến phe đối lập giận dữ cáo buộc đây là một "cuộc đảo chính thứ hai".
Truyền thông địa phương hôm 10/12 đưa tin rằng PPP sẽ sớm công bố "lộ trình từ chức" để bắt đầu một động thái luận tội mới mà phe đối lập muốn đưa ra trước các nhà lập pháp vào thứ Bảy tuần này.
Lực lượng đặc nhiệm của đảng cũng được cho là đang xem xét hai lựa chọn, bao gồm việc ông Yoon từ chức vào tháng 2 năm sau với cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 4, hoặc từ chức vào tháng 3 với cuộc bỏ phiếu vào tháng 5.