Quảng Nam nói gì về việc mua máy xét nghiệm COVID-19 giá 7,23 tỷ đồng?

VietTimes – "Không thể khẳng định được đắt hay rẻ" - đó là quan điểm của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam tại buổi làm việc giữa các bên liên quan đến vụ việc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam mua sắm thiết bị xét nghiệm COVID-19.
ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam  chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan đến việc mua thiết bị xét nghiệm COVID-19
ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan đến việc mua thiết bị xét nghiệm COVID-19

Trước vụ việc Sở Y tế Quảng Nam mua thiết bị xét nghiệm Real-time PCR tự động xét nghiệm COVID-19 gây chú ý dư luận, chiều 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp với các sở ban ngành tỉnh và mời báo chí theo dõi qua hệ thống truyền hình trực tiếp.

Tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam -  cho rằng, sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận, nên mặc dù đây là cuộc họp nội bộ của UBND tỉnh, nhưng để công khai, minh bạch, UBND tỉnh đã mời các cơ quan báo chí cùng nghe.

“Vì yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19, nên UBND tỉnh đã phải chia làm 2 hội trường và cho báo chí theo dõi qua cầu truyền hình, vừa đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo công khai minh bạch đối với việc mua sắm máy xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19, chứ không có chuyện này chuyện kia như một số cơ quan báo chí nêu” - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thanh, UBND tỉnh theo đúng chức năng thẩm quyền quyết định cho mua theo chủ trương, còn Sở Tài chính tham mưu, thẩm định mức giá, phân bổ, loại máy, cấu hình,… theo đúng chức năng thẩm quyền chuyên môn. Tờ trình có kèm 3 báo giá của 3 đơn vị, trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế, UBND tỉnh đã họp và thống nhất mua thiết bị, đàm phán từ 7,56 tỷ xuống còn 7,23 tỷ đồng.

“Nội dung dư luận quan tâm nhiều nhất là mua máy như thế này có tiêu cực gì không, mức giá cuối cùng có cao hơn với các địa phương khác không? Các Sở giải trình nội dung này để dư luận được rõ, các bên liên quan phải cho biết rõ ràng, minh bạch” – ông Lê Trí Thanh yêu cầu.

Việc mua sắm trong bối cảnh cấp bách!

 Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - cho biết, xuất phát từ nhu cầu và tính cấp thiết của công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là cả nước đang bước vào giai đoạn phòng chống dịch giai đoạn 2 là rất bức thiết, trong khi năng lực chẩn đoán bệnh của Quảng Nam không có… nên cần có thiết bị xét nghiệm đủ năng lực, đảm bảo kiểm soát dịch.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã có tham vấn Viện Pastuer Nha Trang về việc xét nghiệm, các quy định đảm bảo việc tự xét nghiệm và được Viện Pastuer Nha Trang hỗ trợ, huấn luyện nhân viên y tế.

“Sau khi tham vấn các Sở Y tế Hà Nội, Quảng Ninh, các  đơn vị đã thực hiện và đủ năng lực, đồng thời, khảo sát giá, trong vòng 5 ngày, ngày 13/4, Sở Y tế Quảng Nam đã quyết định mua trên cơ sở ưu tiên nhất là có 1 thiết bị an toàn trong chẩn đoán, xét nghiệm bệnh phẩm, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, việc quyết định mua sắm thiết bị được đặt trong nhu cầu phòng chống dịch rất căng thẳng và bức thiết” - ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin.

Báo chí theo dõi cuộc họp qua truyền trình trực tuyến
Báo chí theo dõi cuộc họp qua truyền trình trực tuyến

“Việc thực hiện mua sắm đã tuân thủ đúng quy định luật đấu thầu, thông tư về chỉ định thầu và các thông tư của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, các quy định của UBND tỉnh. Về trình tự thủ tục, Sở Y tế đã thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục mua sắm. Chúng tôi đã công bố công khai kết quả lựa chọn nhà thầu trên cổng thông tin đấu thầu quốc gia.

Nếu thực hiện đúng quy định đấu thầu rộng rãi thì mất ít nhất 30 ngày, điều đó sẽ không đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nên Sở Y tế phải thực hiện việc chỉ định thầu” – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay.

Không thể khẳng định đắt hay rẻ!

 Cũng theo ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam – việc lập và xác định giá đấu thầu được thực hiện theo đúng quy định và lấy từ 3 báo giá từ 3 đơn vị cung cấp thiết bị độc lập. Tiến hành lựa chọn thì chọn thiết bị có giá thấp nhất là 7,56 tỷ. Đồng thời đối chiếu với các địa phương như Quảng Ninh, CDC Hà Nội thì Sở Y tế Quảng Nam lựa chọn nhà cung cấp có giá 7,56 tỷ là hợp lý.

Đại diện Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, trên cơ sở tờ trình của Sở Y tế, Sở Tài chính đã có văn bản yêu làm rõ một số nội dung liên quan đến việc mua sắm thiết bị dưới hình thức chỉ định thầu. “Xét thấy đây là hoạt động chỉ định thầu thiết bị chuyên ngành, mang tính đặc thù, tài sản có giá trị lớn, trong bối cảnh khẩn cấp. Vấn đề này theo thẩm quyền của UBND tỉnh, nên trên cơ sở 3 báo giá của 3 đơn vị cung cấp, Sở Tài chính đã thẩm định thiết bị và được các cơ sở cho biết, thiết bị cung cấp cho Sở Y tế Quảng Nam là thiết bị tự động, đặc thù, không bán rộng rãi trên thị trường nên sau khi liên hệ với các doanh nghiệp, Sở Tài chính đã liên hệ nhà cung cấp đề nghị được giảm giá nhưng không thành công.

“Việc mua là cấp bách và cần thiết, nên căn cứ Tthông tư 58 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh chọn đơn vị cung cấp có giá thấp nhất là 7,56 tỷ đồng, thấp nhất trong các báo giá đối với sản phẩm cùng loại. Còn giá đắt hay rẻ thì chúng tôi không thể khẳng định được, vì giá nó được quyết định bởi quy luật cung cầu.

Hiện dự toán vẫn còn đây, Sở Tài chính vẫn chưa thanh toán, chưa chi tiền nên nếu nói thất thoát thì chưa thất thoát” – đại diện Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Không biết giá nhập đầu vào, nhà thầu bán thiết bị dựa trên giá tham khảo trên thị trường

 Tại cuộc họp do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 29/4, bà Lê Thị Tuyến – Giám đốc Công ty CP Giải pháp Việt (đơn vị cung cấp máy xét nghiệm COVID-19) cho biết: “Chúng tôi không biết được giá nhập khẩu đầu vào, vì công ty cung cấp thiết bị không cung cấp, nên không khẳng định được giá đầu vào như thế nào. Tại thời điểm đó, chúng tôi chỉ tham khảo giá ở một số công ty khác để bán giá đầu ra. Chúng tôi khẳng định tại thời điểm này, chúng tôi không thể biết được giá nhập khẩu đầu vào để thương lượng mức giá đầu ra.

“Nên sau những diễn biến của sự việc, công ty chủ động giảm giá thiết bị xuống 4,853 tỷ đồng, giảm tỷ suất lợi nhuận từ 14,5% xuống 0% như sự tri ân đối với tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi khẳng định không nâng khống giá thiết bị như dư luận đặt ra” –  bà Lê Thị Tuyến khẳng định.