Quản lý kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” thì khoa học còn đì đẹt

VietTimes -- Sau khi đăng bài “Nhà khoa học ở đâu trong “bão” dịch tả lợn châu Phi?” vào ngày 19/6, nhiều độc giả là các nhà khoa học đã phản hồi về tòa soạn và giãi bầy những trăn trở nghề nghiệp.
Xử lý lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trong ngày 10/5. Ảnh: thanhnien.vn
Xử lý lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trong ngày 10/5. Ảnh: thanhnien.vn

Trước hết, VietTimes trân trọng cảm ơn tình cảm, thiện chí và cả những đóng góp hết sức trân quý của các độc giả. Qua đây mong độc giả tiếp tục ủng hộ, cổ vũ, động viên và khích lệ để cán bộ, phóng viên, biên tập viên của VietTimes liên tục phấn đấu, giữ vững tôn chỉ mục đích, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng, góp phần thúc đất nước phát triển.

Độc giả công tác tại Bộ KH&CN (xin không nêu tên) than thở, tính đến 21 giờ ngày 23/6, trong nước lại xuất hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi ở Kon Tum. Tình cảnh ấy khiến có thêm nông dân Việt Nam mất đi cơ hội phát triển kinh tế bền vững. Tôi đọc được sự buốt lòng trong tâm trạng của nhà khoa học vì chẳng thể làm gì được hơn cho nông dân.

Nhà khoa học trải lòng, trong khoa học cũng cần có nghiên cứu dự phòng, tiên đoán cái đó có thể xảy ra hoặc không. Nghiên cứu dự phòng tùy thuộc vào “sự nhạy cảm” của nhà khoa học. Thế nên ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Nga và Trung Quốc, nhà nghiên cứu này đã có đề xuất với cơ quan chức năng về hướng và nội dung nghiên cứu, phục vụ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, đáng buồn là đề xuất ấy đã không được cơ quan chủ quản tôn trọng. Chỉ đến khi Việt Nam chính thức công bố phát hiện dịch thì cơ quan ấy lại mời “nộp hồ sơ”. Dĩ nhiên là nhà nghiên cứu này đã từ chối khéo.

Tôi biết, không riêng nhà nghiên cứu trên mà rất nhiều nhà khoa học tài năng, tâm huyết đã hết cảm hứng với tư duy “mất bò mới lo làm chuồng” như thế!

Do đặc thù công việc, tôi được tiếp xúc với khá nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước ở các lĩnh vực khác nhau. Tiếp xúc với họ, tôi nhận thấy, một trong những vấn đề mà các nhà khoa học trăn trở đó là làm sao để “ý tưởng” nghiên cứu được cơ quan quản lý chấp nhận và đầu tư.

Bởi theo họ, đây là bước khởi đầu, có ý nghĩa đặt nền móng cho toàn bộ các khâu, các bước của quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, với tình trạng quá nặng về các thủ tục hành chính quản lý, phải được hội đồng khoa học cho ý kiến và thông qua các đề xuất nên các nhà nghiên cứu thường phải đợi rất lâu.

Và như thế, cảm hứng sáng tạo và quyết tâm của họ sẽ nhạt dần rồi đến lúc nào đó sẽ bị mất đi. Hoặc khi đã được “cân lên đặt xuống” và được cấp phép, nhưng với mức đầu tư nghiên cứu nhỏ giọt thì sản phẩm khoa học cũng không được tròn trịa và hoàn thiện như mong muốn.

Thủ tướng vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, chế tạo văcxin phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Thủ tướng vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, chế tạo văcxin phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Gần đây, khi dịch tả lợn châu Phi đang hoành hoành, trong một hội thảo khoa học tìm hướng đi, có nhà khoa họ đã đề xuất phương án nếu nước ngoài sản xuất được thì nên mua vaccine phòng chống dịch của họ vì nhiều cái lợi. Điều này đã phần nào cho thấy thực trạng tương lai không mấy sáng sủa trong tâm thế của một số nhà khoa học Việt Nam.

Trong đời sống xã hội con người, sản phẩm của nghiên cứu khoa học là rất đặc biệt, nhất là ở tính mới, tính cấp thiết, tính ứng dụng cao. Ở các nước phát triển, đời sống khoa học luôn sôi động và được xác định là “điểm tựa” cho sản xuất hàng hóa. Vì vậy mà sản phẩm của họ luôn luôn có mẫu mã mới, tính ứng dụng cao, định hướng được thị hiếu của người tiêu dùng.

Theo các nhà khoa học, do họ áp dụng cơ chế kích thích được sức sáng tạo và đam mê của các nhà nghiên cứu thông qua việc lắng nghe các nhà khoa học nên đã loại bỏ khâu trung gian, một vấn đề dễ sinh ra hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng” trong quản lý khoa học. Đây được xem là cách tốt nhất để khoa học đi nhanh, thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển.

Còn ở ta, việc đặt hàng nghiên cứu nhiều khi không xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống và nội dung các nhà khoa học đề xuất mà thay vào đó là cơ quan quản lý xét chọn rồi ra đầu bài lại cho các nhà khoa học. Thế nên không lạ khi nhiều đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học ở ta chậm muộn, không sát thực tế, “ngủ” yên trong tủ hồ sơ.

Công tác quản lý vốn được hiểu là “bà đỡ” cho các đề tài, dự án khoa học của các nhà nghiên cứu đi vào thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế thì vai trò “bà đỡ” đang bị lái sang hướng khác.

Có nhà khoa học đã từng thẳng thắn bộc bạch rằng, việc cấp phép ấy chính là cơ hội để cơ chế “xin-cho” ở lĩnh vực này có đất sống một cách dai dẳng. Đó chính là cơ hội để “bà đỡ” phục vụ tiêu cực, lãng phí. Và phải chăng, đây cũng chính là một trong những “nút thắt” khiến khoa học nước nhà cứ đì đẹt và đì đẹt rồi kiệt sức mà chạy theo sự phát triển của cuộc sống.

Xét cho cùng, lao động là cách tốt nhất để tiêu diệt sức ỳ và tăng khả năng sáng tạo, tiến tới hoàn thiện con người. Nghiên cứu khoa học, dù là lĩnh vực đặc biệt cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Báo chí, dư luận chỉ góp phần tạo ra tiếng nói chung, làm cơ sở để các nhà quản lý hoạch định chính sách tham khảo, quyết định và tiến tới gạt bỏ tư duy “mất bò mới lo làm chuồng”.

Hy vọng là, cơ chế mới sẽ chấm dứt được cả tình trạng “chảy máu chất xám” tồn tại lâu nay.