Quan hệ Trung - Ấn căng thẳng, xung đột lan sang lĩnh vực công nghệ và thương mại

VietTimes – Sau khi xảy ra vụ xung đột đẫm máu tối 15/6, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ xấu đi nhanh chóng, hai bên đã áp dụng các biện pháp chống nhau trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ và thương mại.
59 APP của Trung Quốc bị chính phủ Ấn Độ cấm vì gây tổn hại cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ,  quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng (Ảnh: Ifeng).
59 APP của Trung Quốc bị chính phủ Ấn Độ cấm vì gây tổn hại cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng (Ảnh: Ifeng).

Ngày 29/6, Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử Ấn Độ đã ra tuyên bố cấm 59 ứng dụng (APP) của Trung Quốc trong đó có TikTok, Weibo và WeChat. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng các ứng dụng này hoạt động gây tổn hại cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ,  quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng của Ấn Độ. 59 ứng dụng của Trung Quốc này sẽ bị cấm sử dụng trên các nền tảng di động và không di động.

Theo Hindustan Times ngày 29/6, Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử Ấn Độ tuyên bố rằng các ứng dụng này có vấn đề về bảo mật. "Đồng thời, có các vấn đề gây lo ngại cho mọi người về các mặt liên quan đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của 1,3 tỷ người Ấn Độ”.

Thông tin về lệnh cấm được đăng tải trên báo Ấn Độ (Ảnh: Hindustan Times).
Thông tin về lệnh cấm được đăng tải trên báo Ấn Độ (Ảnh: Hindustan Times).

Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử Ấn Độ cũng tuyên bố rằng có nhiều khiếu nại "từ nhiều nguồn khác nhau" chỉ ra rằng một số ứng dụng này đã lạm dụng dữ liệu trên hệ thống Android và iOS. Các ứng dụng này đánh cắp dữ liệu của người dùng một cách trái phép và bí mật truyền về máy chủ đặt bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ

Hiện tại, tình hình biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang rất căng thẳng, hai nước vẫn đang đẩy mạnh việc triển khai quân và vũ khí trang bị lên tuyến đầu. Sau hai cuộc hội đàm vào ngày 6/6 và 22/6, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tổ chức tiếp cuộc hội đàm cấp quân đoàn thứ ba vào ngày 30/6.

Dưới đây là Danh sách các ứng dụng bị cấm:

1. TikTok; 2. Shareit; 3. Kwai; 4. UC Browser; 5. Baidu map; 6. Shein; 7. Clash of Kings; 8. DU battery saver; 9. Helo; 10. Likee; 11. YouCam makeup; 12. Mi Community; 13. CM Browers; 14. Virus Cleaner; 15. APUS Browse; 16. ROMWE; 17. Club Factory; 18. Newsdog; 19. Beutry Plus; 20. WeChat; 21. UC News; 22. QQ Mail; 23. Weibo; 24. Xender; 25. QQ Music; 26. QQ Newsfeed; 27. Bigo Live; 28. SelfieCity; 29. Mail Master; 30. Parallel Space; 31. Mi Video Call – Xiaomi; 32. WeSync; 33. ES File Explorer; 34. Viva Video – QU Video Inc; 35. Meitu; 36. Vigo Video; 37. New Video Status; 38. DU Recorder; 39. Vault- Hide; 40. Cache Cleaner DU App studio; 41. DU Cleaner; 42. DU Browser; 43. Hago Play With New Friends; 44. Cam Scanner; 45. Clean Master – Cheetah Mobile; 46. Wonder Camera; 47. Photo Wonder; 48. QQ Player; 49. We Meet; 50. Sweet Selfie; 51. Baidu Translate; 52. Vmate; 53. QQ International; 54. QQ Security Center; 55. QQ Launcher; 56. U Video; 57. V fly Status Video; 58. Mobile Legends; 59. DU Privacy.

Trong bối cảnh cạnh tranh Internet di động trong nước ngày càng tăng, các công ty Internet Trung Quốc đã bắt đầu thâm nhập vào Ấn Độ, thị trường dân số lớn thứ hai thế giới. Theo thông tin công khai, các công ty Internet Trung Quốc bao gồm Tencent, Alibaba, ByteDance, Era và Xiaomi đã chiếm một tỷ lệ đáng kể trong thị trường Internet di động Ấn Độ. Dữ liệu thống kê của bên thứ ba cho thấy, năm 2019, các ứng dụng (app) của Trung Quốc chiếm tới 30% - 40% thị trường Ấn Độ. Trong danh sách các app trò chơi miễn phí và danh sách app bán chạy nhất, Trung Quốc đứng đầu tiên; APP phi trò chơi là miễn phí cũng xếp thứ hai.

Ngoài các công ty phần mềm, các thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc cũng chiếm một vị trí quan trọng tại thị trường Ấn Độ. Theo dữ liệu do IDC công bố vào tháng 2 năm nay, trong 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu ở Ấn Độ năm 2019 ngoại trừ Samsung, đều là những thương hiệu Trung Quốc, cụ thể là Xiaomi, vivo, OPPO và realme (thương hiệu phụ của OPPO). 4 thương hiệu này chiếm tới gần 70% thị phần thị trường điện thoại di động Ấn Độ.

Trong số các APP bị cấm có Tiktok, WEibo, WeChat...(Ảnh: 6donews).
Trong số các APP bị cấm có Tiktok, WEibo, WeChat...(Ảnh: 6donews).

Theo dữ liệu phân tích dữ liệu di động ở nước ngoài, trong tháng 5 vừa qua, trình duyệt TikTok, UC và các ứng dụng khác có tổng cộng hơn 500 triệu người dùng hàng tháng. Trong số 59 app này có 27 ứng dụng được xếp hạng trong TOP1000 ứng dụng Android của Ấn Độ. Đồng thời, Tarun Pathak, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu nổi tiếng Counterpoint, cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến khoảng một phần ba người dùng điện thoại thông minh ở Ấn Độ.

Đến sáng 30/6, Google cho biết họ chưa nhận được yêu cầu cấm và dỡ bỏ các app trên đây của New Delhi; Apple cho biết họ đang xem xét.

Ngoài ra, hồi tháng trước, một sản phẩm có tên “Remove China Apps” (Xóa ứng dụng Trung Quốc) đã trở nên phổ biến ở Ấn Độ. Chỉ trong hai tuần, nó đã nhận được hơn 1 triệu lượt tải xuống và 140.000 bình luận và nhảy lên vị trí thứ hai trong danh sách tải xuống của Google Play Ấn Độ. Thiết kế giao diện ứng dụng này cực kỳ đơn giản, chỉ cần nhấp vào nút quét, bạn có thể xác định ứng dụng của Trung Quốc có trong điện thoại hay không. Tuy nhiên, ứng dụng này đã bị gỡ bỏ vì vi phạm chính sách gian lận của Google Store.

Nếu theo truyền thống, Google Play và App Store sẽ tuân thủ các yêu cầu như vậy để xóa bỏ các ứng dụng.

Xung đột giữa hai nước cũng ảnh hưởng tới cả lĩnh vực thương mại (Ảnh: FT)
Xung đột giữa hai nước cũng ảnh hưởng tới cả lĩnh vực thương mại (Ảnh: FT)

Xung đột biên giới Trung - Ấn cũng đang có nguy cơ gây nên cuộc chiến trên lĩnh vực thương mại. Trang tin Đông Phương của Hồng Kông đưa tin, hôm 24/6 hải quan cảng Chennai Ấn Độ đã thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để kiểm tra. Tin cho biết, hàng hóa bị thu giữ bao gồm các sản phẩm của các công ty Mỹ Apple, Cisco, Dell và xe hơi Ford.

Có ý kiến phân tích nói, tranh chấp Trung-Ấn có thể phá vỡ chuỗi cung ứng quốc tế và các nhóm vận động hành lang của công ty Mỹ cũng lo ngại rằng các hành động của Ấn Độ sẽ gây tổn hại cho sự ổn định thương mại. Mặc dù chính phủ chưa chính thức công bố mệnh lệnh, nhưng hải quan đã thông báo cho nhà nhập khẩu: hàng nhập khẩu của Trung Quốc không được rời khỏi cảng trước khi trải qua các cuộc kiểm tra bổ sung.

Bộ Tài chính Ấn Độ phụ trách thương mại và các hãng Apple, Cisco và Dell chưa lên tiếng. Công ty Ford cho biết, có những linh phụ kiện xe hơi chính bị mắc kẹt tại cảng Chennai và họ đang hợp tác với chính quyền Ấn Độ, nộp các tài liệu và đơn từ cần thiết. Một số lô dược phẩm cũng bị giữ lại. Có công ty dược nói đã nhận được thông báo mỗi lô hàng sẽ phải được kiểm tra chi tiết, sẽ mất ít nhất một tuần. Theo báo cáo, hàng hóa của nhà thầu Apple tại Ấn Độ và công ty công nghệ Đài Loan Foxconn cũng bị ảnh hưởng. Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ (USISPF) ngày 23/6 đã gửi thư cho Bộ Thương mại Ấn Độ nói chính quyền đột nhiên dừng làm thủ tục hải quan hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và nước khác tại hầu hết các sân bay và bến cảng. Bức thư nói rằng động thái này sẽ "gửi một tín hiệu đáng lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc tìm kiếm một thị trường minh bạch và có thể dự đoán được”.

Chính phủ Ấn Độ còn cho biết sẽ chấm dứt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc với hơn 600 triệu USD. Các quan chức bang Maharashtra hôm 22/6 nói họ đang đợi chỉ thị từ chính quyền trung ương về có nên tiếp tục thực hiện thỏa thuận với công ty Trung Quốc không? Phía Ấn Độ cho biết, giao dịch thương mại bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Maharashtra là thỏa thuận hợp tác gần 500 triệu USD với Công ty ô tô Trường Thành Trung Quốc. Các thỏa thuận khác liên quan đến Công ty Cơ khí Hằng Lực và hãng ô tô Foton có trụ sở tại Bắc Kinh đã thành lập một liên doanh với công ty xe buýt điện Ấn Độ PMI.

Vụ xung đột đẫm máu ở biên giới cũng đã gây nên làn sóng người dân Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và người Trung Quốc. Hiệp hội doanh nghiệp khách sạn và nhà hàng Delhi (DHROA) cho biết các công ty thành viên sẽ không cung cấp dịch vụ lưu trú khách sạn hoặc ăn ở cho công dân Trung Quốc, liên quan đến khoảng 3.000 khách sạn hoặc nhà nghỉ, chủ yếu là hạng 3 đến 4 sao. Hiệp hội cũng khuyến khích các công ty thành viên ngừng sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc. Ông Sandeep Khandelwal, chủ tịch của DHROA, cho biết động thái này là để ủng hộ chính phủ Ấn Độ trong tình hình Trung Quốc và Ấn Độ giống như chiến tranh. Ông nói: "Tại sao chúng ta lại để họ kiếm tiền từ Ấn Độ?". Trong đại dịch COVID-19, lượng khách Trung Quốc tới Ấn không nhiều, một số khách sạn vẫn đóng cửa; vì vậy động thái này mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn.