Quân đội Trung Quốc tiết lộ những điểm mới về kế hoạch huấn luyện năm 2025

Ngày 17/1, ông Ngô Khiêm, Cục trưởng Cục Thông tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã giới thiệu tình hình huấn luyện quân sự năm 2025, trong đó có nhiều thông tin đáng chú ý.
Lục quân Trung Quốc huấn luyện sử dụng thiết bị không người lái. Ảnh: CCTV.

Kế hoạch huấn luyện quân sự năm 2025

Ông Ngô Khiêm đã trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu cung cấp thêm thông tin chi tiết về tình hình PLA và Lực lượng Cảnh sát vũ trang dốc toàn lực tiến hành huấn luyện quân sự năm mới kiểu “công kiên” để đạt được mục tiêu đề ra kỷ niệm 100 năm thành lập quân đội

“Năm 2025, huấn luyện quân sự toàn quân sẽ tập trung vào ứng phó với các mối đe dọa an ninh thực tế; sẽ tiến hành huấn luyện chuyên sâu về các tình huống chiến đấu thực tế, tăng cường các cuộc tập trận hệ thống tác chiến chung và phát huy khả năng răn đe và chức năng ngăn cản chiến tranh của huấn luyện quân sự…", ông nói.

Vị quan chức thêm rằng, quân đội sẽ nghiên cứu và huấn luyện sâu rộng về các vấn đề then chốt trọng điểm như đội hình hỗn hợp liên quân binh chủng; nhấn mạnh huấn luyện sử dụng các trang thiết bị mới như máy bay chiến đấu mới, hạm tàu mới và tên lửa mới. Tích cực tìm kiếm khai thác các lĩnh vực mới như huấn luyện không người lái và thông minh, tạo ra các điểm tăng trưởng mới cho hiệu quả chiến đấu.

Ông Ngô Khiêm nói thêm rằng quân đội Trung Quốc cũng tập trung huấn luyện "công nghệ +" và "mạng +"; vận dụng lực lượng khoa học và công nghệ để thúc đẩy giải quyết các vấn đề khó trong huấn luyện tác chiến; tiếp tục đi sâu đổi mới các phương pháp huấn luyện chiến đấu khoa học và công nghệ; tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện chung với lực lượng vũ trang của các quốc gia và khu vực có liên quan trên thế giới, làm phong phú thêm các khoa mục diễn tập.

Huấn luyện tác chiến hiệp đồng đổ bộ. Ảnh: CCTV.

Điểm nhấn về huấn luyện trang thiết bị mới và không người lái

Phân tích ý kiến của người phát ngôn Bộ Quốc phòng, trang QQnews ngày 21/1 đã đăng bài viết cho rằng: “Trong phát biểu, ông Ngô Khiêm đề cập rằng cần phải nhấn mạnh việc huấn luyện các thiết bị mới như máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa, đồng thời tìm kiếm khai thác các lĩnh vực huấn luyện mới như không người lái và thông minh. Tuyên bố này cho thấy phương thức tác chiến của PLA sẽ thay đổi, quân đội Mỹ nếu không chú ý sẽ vô tình bị tụt hậu rất xa…”.

Bài viết trên QQNews cho rằng: Điều này có ý nghĩa rất to lớn vì trong đọ sức quốc tế ngày nay, lực lượng quân sự được trang bị tốt đã trở thành biểu hiện quan trọng của sức mạnh tổng hợp của một quốc gia. Trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc đã có những tiến bộ rất nhanh chóng trong lĩnh vực này.

Sự ra đời của các máy bay chiến đấu, tàu chiến, tên lửa và thiết bị không người lái mới không chỉ là sự nâng cấp về phần cứng mà còn thể hiện sự thay đổi lớn trong tư duy chiến lược và chiến thuật quân sự.

Lấy lực lượng không quân của PLA làm ví dụ. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mà J-20 đại diện là một ví dụ điển hình. Nó không chỉ có khả năng tàng hình đáng kinh ngạc mà còn được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, có thể được coi là một thanh kiếm sắc bén trong không chiến hiện đại.

Máy bay chiến đấu tàng hình kiểu mới J-20S. Ảnh: QQnews.

Tất nhiên, máy bay chiến đấu mới mang lại nhiều lợi ích hơn thế. Với sự trợ giúp của tên lửa hành trình tầm xa và các vũ khí dẫn đường chính xác khác, lực lượng không quân của PLA đã có khả năng răn đe chiến lược và tấn công tầm xa mạnh hơn.

Về hải quân, các tàu mới, dẫn đầu là tàu tấn công đổ bộ Type 076, đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên, được tích hợp radar tiên tiến, tên lửa phòng không và vũ khí chống ngầm. Những trang thiết bị như vậy đã giúp PLA có một khả năng chiến đấu thực sự trên biển xa, thúc đẩy Hải quân Trung Quốc chuyển hình chiến lược từ "phòng thủ biển gần" sang "kiểm soát biển xa".

Ngoài ra, việc liên tục nâng cấp các dòng tên lửa đạn đạo Đông Phong (Dongfeng) và tên lửa hành trình Trường Kiếm (Changjian) đã giúp năng lực răn đe chiến lược của PLA đạt được bước nhảy vọt về chất. Chúng kết hợp các đặc điểm về độ chính xác cao và tầm xa để biến mọi mục tiêu quan trọng thành mục tiêu trong phạm vi tấn công của Trung Quốc.

Tên lửa hành trình "Changjian-10" có tầm bắn 2.500km. Ảnh: Sohu.

Đồng thời, dòng tên lửa phòng không Hồng Kỳ (Hongqi) và tên lửa chống hạm Ưng Kích (Yingji) đảm bảo cho Trung Quốc khả năng kiểm soát và phòng thủ các khu vực trọng điểm, củng cố hơn nữa ranh giới an ninh quốc gia. Có thể nói, với thống phòng thủ chặt chẽ như vậy, những đối thủ cố tình mạo hiểm chắc chắn sẽ chuốc rắc rối.

Điều đáng chú ý hơn là với sự bổ sung của các trang thiết bị như máy bay không người lái và chó robot, các quy tắc của trò chơi chiến tranh truyền thống đã được thay đổi hoàn toàn. Khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chúng không những không sợ tổn thất mà còn có thể trực 24 giờ một ngày, nâng cao đáng kể hiệu quả nhận thức tình hình trên chiến trường.

Chó robot mang tên lửa chống tăng. Ảnh: QQnews.

Hơn nữa, các thiết bị không người lái có thể dễ dàng tránh được bị radar của kẻ thù phát hiện do kích thước nhỏ và khả năng ẩn giấu cao. Điều này có nghĩa là tự động hóa chỉ huy và mạng hóa chiến tranh đã nâng cao hơn hiệu quả chiến đấu, đưa quân đội Trung Quốc ở vào vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này”.

Bài viết của QQnews kết luận: “Việc đưa vào sử dụng tất cả các trang thiết bị mới này tự nó đã là một tín hiệu mạnh mẽ. PLA bằng cách thể hiện sức mạnh của mình gửi một thông điệp rõ ràng: bất kỳ thế lực can thiệp nào cũng sẽ phải đối mặt với đòn giáng trả mạnh mẽ. Tác chiến hiệp đồng đa quân binh chủng với các thiết bị mới đã đưa khả năng tác chiến của PLA đạt tới một tầm cao mới”.

Theo QQnews