Tòa án phúc thẩm của Mỹ vừa đảo ngược phán quyết của tòa án thành phố San Jose, bang California, trong vụ kiện chống độc quyền đối với Qualcomm. Theo đó, tòa án phúc thẩm đã gỡ bỏ lệnh yêu cầu Qualcomm thay đổi phương thức chia sẻ sản phẩm sở hữu trí tuệ.
Quyết định trên là sự giải tỏa quan trọng cho Qualcomm, hãng sản xuất chip lớn nhất trong mảng điện thoại di động, đồng thời là nhà cung ứng quan trọng của công nghệ mạng không dây, sau hơn một năm kháng cáo.
Tòa án phúc thẩm ở Mỹ vừa gỡ bỏ lệnh yêu cầu Qualcomm thay đổi phương thức chia sẻ sản phẩm sở hữu trí tuệ, sau hơn một năm hãng này kháng cáo.
Qualcomm lâu nay yêu cầu các hãng sản xuất điện thoại trước khi mua chip phải ký thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế. Hồi tháng 5/2019, tòa án thành phố San Jose phán quyết rằng, quy định đó của Qualcomm bóp nghẹt sự cạnh tranh, gây hại cho người tiêu dùng.
Dù vậy tòa phúc thẩm cho rằng, Qualcomm không có nghĩa vụ cấp bằng sáng chế của mình cho các hãng sản xuất đối thủ, cũng như việc yêu cầu các hãng sản xuất điện thoại ký thỏa thuận cấp phép không phải là hành vi phản cạnh tranh.
Qualcomm ca ngợi phán quyết mới nhất này, trong khi phía đệ đơn kiện là Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) gọi phán quyết là "sự thất vọng". FTC cho biết sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo.
Cổ phiếu Qualcomm đã tăng khoảng 4% khi có tin vui. Thực tế nếu phán quyết ban đầu được giữ nguyên, Qualcomm sẽ phải “đập đi xây lại” mô hình kinh doanh hàng chục năm nay, phải đàm phán lại nhiều thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế với các nhà sản xuất điện thoại.
Trong vụ kiện này, Bộ Tư pháp thể hiện sự ủng hộ Qualcomm. Ngược lại các hãng điện thoại như Apple ủng hộ FTC khiếu kiện.